Nhiều người cho rằng phòng giặt là một khu chức năng phụ nên không nhất thiết phải có trong nhà, nếu có cũng không cần tốn nhiều công sức, chi phí thiết kế hay trang trí đặc biệt. Thông thường, với những ngôi nhà rộng rãi, nơi giặt giũ thường là một phòng tách biệt, được bố trí trên sân thượng hay ban công để tiện cho việc giặt, phơi, cất quần áo. Với những không gian sống khiêm tốn hơn, chỉ một góc nhỏ, kê vừa chiếc máy giặt cũng là đủ cho khu chức năng này. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy công việc giặt giũ quá nhàm chán, hãy thử làm mới phòng giặt để được một không gian xinh xắn, sáng tạo truyền hứng khởi cho bạn mỗi ngày. Bạn cũng có thể kết hợp phòng giặt với các khu chức năng khác để tận dụng một không gian cho nhiều mục đích sử dụng.
Dưới đây là một vài ý tưởng thiết kế, làm mới phòng giặt thật xinh xắn, phong cách để bạn tham khảo:
Thay sàn, ốp tường gỗ
Sàn gỗ và ốp tường mới khiến phòng giặt phong cách, hấp dẫn hơn. Ảnh: Evgeny Atamanenko |
Nếu bạn muốn tạo ra tác động tối đa với chi phí tiết kiệm nhất, hãy “khoác áo mới” cho phòng giặt bằng sàn gỗ, ốp tường gỗ, hoặc cả hai. Thông thường, phòng giặt không được coi trọng nên thiết kế sàn, tường cũng khá sơ sài, thực dụng. Sàn và tường mới bằng gỗ sẽ “hô biến” phòng giặt cũ thành một không gian hấp dẫn hơn về mặt trực quan, lại tạo cảm giác gần gũi, tự nhiên. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung một số kệ gỗ đơn giản gắn trên tường để giữ đồ hoặc trang trí.
Kết hợp các không gian
Kết hợp phòng giặt với phòng bếp để tối ưu hóa không gian nhà nhỏ. Ảnh: Romakoma |
Với những ngôi nhà có diện tích khiêm tốn hơn, thông thường, bạn sẽ không có đủ không gian cho một phòng giặt đồ tách biệt. Có lẽ bạn sẽ phải bố trí phòng giặt đó kết hợp với phòng bếp, phòng ngủ hoặc phòng làm việc dự phòng.
Trong ảnh minh họa trên là một cách kết hợp phòng giặt với phòng bếp. Máy giặt được đặt ở vị trí thường dành cho máy rửa bát trong những căn bếp điển hình ở Mỹ. Ngay cạnh đó là bàn làm việc vừa vặn cho một người sử dụng. Như vậy, chủ nhân ngôi nhà đã có một không gian đa năng, “3 trong 1” chỉ với diện tích khiêm tốn.
Đặc biệt, với những ngôi nhà có tầng hầm được thiết kế mở, bạn hoàn toàn có thể biến nơi này thành một không gian sử dụng hỗn hợp, bao gồm phòng giặt, góc vui chơi của trẻ, khu vực tập luyện thể thao hay phòng trò chơi, tùy theo nhu cầu và sở thích của các thành viên trong gia đình.
Thiết kế tối giản
Những chi tiết bằng gỗ và phong cách tối giản khiến phòng giặt này giống như một spa thư giãn hay không gian thiền định. Ảnh: New Africa |
Không cần những sửa chữa quá tốn kém, bạn cũng có thể làm mới phòng giặt bằng cách sắp xếp lại và bổ sung một vài chi tiết trang trí đơn giản. Cách sắp xếp không gian trong ảnh minh họa trên cho thấy những điểm nhấn đơn giản trong phòng giặt có thể mang đến cảm giác thư thái, thoải mái, phảng phất chất thiền.
Một chậu cây xanh đặt trên kệ mang đến luồng sinh khí tự nhiên cho không gian. Các chi tiết bằng gỗ đa dạng như giá treo quần áo, một chiếc bàn nhỏ cùng vách ngăn khiến phòng giặt ấm cúng, gần gũi hơn. Tất cả những chi tiết này được đặt cách nhau một khoảng trống nhất định để tạo cho không gian cảm giác tối giản.
Liên Hương