Theo ông Chính, việc cấp sổ đỏ ở các nước khác nằm trong dịch vụ công. Khi đó cơ quan Nhà nước làm nhanh thì sẽ thu được nhiều tiền. Vì thế, chúng ta phục thuận lợi, phục vụ nhanh cho người dân thì chúng ta thu được nhiều cho ngân sách và quay lại bù đắp cho những người thực hiện. Đồng thời, chúng ta cần xem xét, nghiên cứu để dịch vụ công này phục vụ nhanh, tốt nhất, chỉ mấy ngày là làm xong sổ đỏ.
Ông Chính cũng cho biết, rất khó để có chứng cứ cụ thể về việc “bôi trơn” trong cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, có chuyện người dân nhiều khi làm không đúng quy định. Hiện nay, khá phổ biến việc khai thấp giá mua bán trong hợp đồng để trốn thuế. Đơn cử, có trường hợp giá mua bán thật là 2,5 tỷ đồng nhưng trong hợp đồng mua bán chỉ ghi 500 triệu đồng, để trốn thuế. Vì thế, cán bộ phải xem xét lại. Lúc đó người dân lại năn nỉ, cứ làm theo giá đó rồi sẽ bối dưỡng.
Thu phí dịch vụ có thể hạn chế “bôi trơn” khi làm sổ đỏ (Ảnh minh họa, nguồn: Dân trí) |
Một trường hợp khác nữa là giá nhà đất trước đây người dân mua chỉ có mấy trăm ngàn/m2, bây giờ lên mấy chục triệu/m2. Đối với trường hợp này, không thể làm lại hợp đồng mua bán đó. Người dân lại năm nỉ cán bộ, làm giúp họ rồi sẽ có bồi dưỡng. Những câu chuyện này là có thật.
Trước thực tế trên, ông Chính cho biết, cần phải chấn chỉnh từ cả hai phía: cơ quan nhà nước và người dân thì mới có thể khắc phục được tình trạng nhũng nhiễu trong việc cấp sổ đỏ.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, rất khó để có chứng cứ về việc “bôi trơn” trong cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, sẽ có được một phóng sự rất đầy đủ về vấn đề này nếu cứ thử đi làm sổ đỏ. Vấn đề này rất bức xúc và nhức nhối. Cần phải có dịch vụ công và quy định rõ ràng. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra, rà soát công tác cấp ổ đỏ tại các địa phương.
Được biết, đại biểu Quốc hội trước đó đã phản ánh về việc ở Hà Nội người dân phải mất tiền “bôi trơn” để được cấp sổ đỏ. Sau đó, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội kiểm tra làm rõ sự việc này.