BĐS Việt Nam thua sau Myanmar
Tại hội thảo "Kinh doanh BĐS - cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi" diễn ra vào sáng 27/11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nhận định về thị trường BĐS. Thứ trưởng cho biết, hoạt động kinh doanh BĐS ở nước ta mới được hơn 10 năm, Luật Kinh doanh BĐS mới có năm 2006, Luật Nhà ở ra đời năm 2005 dẫn đến thị trường BĐS Việt Nam còn rất mới mẻ và nhiều vấn đề bất cập.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam |
Cụ thể, các cơ chế chính sách điều hành, hệ thống quản lý thị trường, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường đều chưa có nhiều kinh nghiệm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, năm 1996, thị trường BĐS Myanmar đã phát triển nhưng tại Việt Nam chưa ra đời, chưa có dự án nhà ở nào được xây dựng hoàn chỉnh, có quy hoạch, hạ tầng xã hội, thiết kế, giao dịch mua bán mà chỉ có những khu nhà ở do Nhà nước tự xây dựng và quản lý.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định: "Thị trường BĐS Việt Nam thua sau Myanmar".
Ông Nam cho hay, người dân tại Việt Nam lần đầu tiên được làm quen với việc mua bán ký kết hợp đồng, giá dịch vụ, giá cả bắt đầu có phần sở hữu riêng, sở hữu chung nên xảy ra vấn đề tranh chấp do hiểu biết pháp luật kém, chạy theo phong trào, tiền kiếm lợi nhuận bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân trong khi nguồn lực hạn chế.
Bên cạnh đó, hệ thống trung gian trong thị trường như các công ty dịch vụ quản lý, mua bán, định giá, môi giới... tức là những người có năng lực, đạo đức nghề nghiệp còn thiếu.
Theo ông Nam, BĐS Việt Nam đã phát triển không theo quy hoạch, kế hoạch. Ông đưa ra dẫn chứng, quy hoạch Hà Nội đến năm 2040-2050 nên có lộ trình cụ thể, trục thời gian đến năm 2020, 2025 đưa thêm mấy trăm ha đất vào thay vì vừa quy hoạch lại cấp đất luôn, gây nên tình trạng diện tích đất để hoang không làm gì tại TP. Hà Nội rất nhiều.
Ngoài ra, thời gian qua, cơ cấu hàng hóa không hợp lý, cơ quan quản lý thị trường không đưa ra thông tin, số liệu hợp lý, doanh nghiệp đầu tư không phân bổ, đầu tư theo phong trào.
Thứ trưởng Nam kết luận: “Doanh nghiệp nào cũng thích quảng cáo mình là cao cấp, diện tích rộng nhưng giá trên trời. Tất cả những điểm thiếu chuyên nghiệp dẫn đến nhược điểm thị trường BĐS”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, không phải giá nhà cao mà là lương quá thấp (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Dân trí) |
Giá nhà ở đã tương đối phù hợp
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã phủ nhận thông tin giá BĐS tại Việt Nam ở mức cao trong top 20 quốc gia trên thế giới. Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Giá nhà hiện nay tương đối phù hợp, đừng nói giá cao mà phải nói là lương quá thấp”.
Theo ông Nam, đất xây dựng đã theo giá thị trường, vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh, xi măng... đều theo giá thế giới và mức lương 2 triệu đồng/tháng của người dân nếu phải bán nhà ở theo thu nhập của người dân là không hợp lý.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nam cũng thông tin, giao dịch BĐS thời gian vừa qua tăng mạnh, đặc biệt ở phân khúc căn hộ nhỏ và vừa. Cụ thể, từ đầu năm 2013 đến thời điểm tháng 11/2014, giao dịch tăng trưởng liên tục. Năm 2014 TP. Hà Nội có xấp xỉ 10.000 giao dịch thành công, đây là giao dịch thông qua sàn được báo cáo chính thức và con số thật còn cao hơn vì chưa tính giao dịch của người dân.
Cũng trong khoảng thời gian trên, tại Tp.HCM có hơn 8.800 giao dịch thành công. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2013, giao dịch tại Tp.HCM tăng gấp rưỡi, giao dịch tại Hà Nội tăng gấp đôi.
Cuối cùng, Thứ trưởng Nam đề nghị, Nhà nước, doanh nghiệp phải đưa ra những hành động cụ thể, đồng thời, các viện nghiên cứu, trường đại học tiến hành nghiên cứu để đưa ra những thông điệp cho thị trường để có thể định hướng chính xác hơn.
Đặc biệt, để thị trường BĐS phát triển và có tính chất dẫn dắt phục hồi nền kinh tế Việt Nam nói chung, người tiêu dùng cũng phải có những hành động cần thiết, đúng đắn.