Xuất khẩu xi măng giảm mạnh
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xuất khẩu xi măng trong tháng 5/2015 vừa qua chỉ đạt 7,14 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thu về đạt 307,75 triệu USD, giảm khoảng 28% về lượng và 27,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thị trường Băngladesh chiếm vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất đồng thời là thị trường nhập khẩu xi măng và clinker lớn thứ ba trong khu vực Nam Á. Cụ thể, quý I vừa qua, kim ngạch xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam sang Bangladesh chỉ đạt khoảng 70,1 triệu USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia trong ngành xi măng cho rằng, hiện xuất khẩu xi măng trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn bởi một số nhà xuất khẩu chính trong khu vực dự kiến tăng lượng xuất khẩu khoảng 5 - 6 triệu tấn do nhu cầu nội địa thấp và dây chuyền mới đi vào hoạt động. Một nguyên nhân khác cũng khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam mất dần lợi thế, đó là sự chênh lệch giữa giá cước vận chuyển của Việt Nam với các quốc gia này không còn là lợi thế xuất khẩu của Việt Nam như trước đây.
Các doanh nghiệp coi việc tiêu thụ xi măng nội địa chỉ là giải pháp tình thế. Ảnh minh họa |
Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng lớn như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tập đoàn Xi măng The Vissai cho rằng, hiện nay trong khu vực châu Á, Việt Nam đang có khá nhiều đối thủ cạnh tranh quyết liệt. Đặc biệt là cuộc chiến được cho là không cân sức từ xi măng Trung Quốc với giá thành rẻ hơn, khiến xuất khẩu xi măng càng thêm phần trầm lắng.
Tiêu thụ nội địa chỉ là giải pháp tình thế
Thời điểm hiện tại, giải pháp tình thế mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm đó là kích cầu tiêu thụ nội địa.
Ông Lê Văn Tới- Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trong tháng 5 vừa qua, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa tăng cao do các doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong mùa xây dựng. Đây là tín hiệu khởi sắc, kỳ vọng tạo nên sức bật trong sản xuất, tiêu thụ xi măng cũng như đánh dấu sự hồi sinh của thị trường bất động sản.
Cụ thể, theo thống kê mới đây của Bộ Xây dựng, xi măng tiêu thụ trong 5 tháng đầu năm nay đạt 27,19 triệu tấn, bằng 101% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa trong tháng 5 đạt 5,28 triệu tấn, bằng 111% so với hồi tháng 5/2014. Riêng Tổng công ty Vicem tiêu thụ trong tháng 5 đạt 1,95 triệu tấn, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2014.
Ông Tới lý giải, trong khi nguồn cung xi măng trong nước không tăng, nhưng tiêu thụ lại tăng với kết quả trên thì xuất khẩu giảm là hợp lý. “Nói thế không có nghĩa là doanh nghiệp xi măng không cần quan tâm đến xuất khẩu, mà xuất khẩu vẫn phải là hướng đi bền vững mà các doanh nghiệp cần hướng đến, là kênh quan trọng giúp điều tiết lượng hàng khi tiêu thụ nội địa gặp khó khăn”.
Còn theo ông Nguyễn Quang Cung- Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong điều kiện xuất khẩu khó khăn thì doanh nghiệp cần tính đến thúc đẩy tiêu thụ nội địa, sau đó mới tính đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu lâu dài, bài bản. Ông Cung nhận định: “Tôi cho rằng, cần có định hướng xem doanh nghiệp nào phù hợp thì tập trung cho xuất khẩu, các doanh nghiệp còn lại nên phục vụ cho nhu cầu trong nước. Làm như vậy mới có thể đem lại hiệu quả xuất khẩu cao nhất”.
Nhằm thực hiện kích cầu cho sản phẩm xi măng, giảm nhập siêu, mới đây Bộ Xây dựng cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong việc triển khai chương trình phát triển hạ tầng, đường giao thông nhằm tạo đà cho ngành xi măng tăng trưởng như kỳ vọng.