Khoa học phong thủy phân tính chất của cầu thang thành 2 phần là động khẩu (tiếp khí) và lai mạch (dẫn khí). Động khẩu được tính trong khoảng từ 1 đến 3 bậc đầu (đối với cầu thang máy là buồng thang tại mặt sàn). Lai mạch là phần còn lại bao gồm cả thân cầu thang lẫn chiếu nghỉ (đối với cầu thang máy là phần không gian của buồng thang chuyển lên các tầng. Trường hợp chuyển động thẳng đứng thì động khẩu và lai mạch là một). Nguyên tắc bố trí cầu thang thì cần chú ý tiếp khí trước rồi mới đến dẫn khí. Động khẩu của cầu thang là nơi tiếp thu khí cũng giống như cửa vào nhà, còn lai mạch sẽ dẫn khí đó lên các tầng. Để đạt được giá trị phong thủy tốt cho cầu thang thì phần động khẩu - tiếp khí phải được bố trí tại các vị trí tốt căn cứ theo phương hướng khí vào nhà, cấu trúc nhà, tuổi gia chủ và hình dạng cầu thang. Cho dù thân cầu thang uốn lượn hay bị gò ép thế nào, phần động khẩu phải là những bậc thang đầu tiên thoải mái, tay vịn vững chãi, có khoảng lùi an toàn và dễ nhận biết khi sử dụng (hình 1).
Căn cứ vào mức độ rộng hẹp của không gian, tác động của luồng di chuyển đến động khẩu mà có các cách bố trí tương ứng, ví dụ như nhấn mạnh các bậc đầu tiên, tạo một thảm gạch (hoặc đá granite) tại vùng trước miệng thang, đặt chậu cây, tượng trang trí nổi bật vị trí miệng thang. Nếu thang nằm trong vùng bất lợi thì động khẩu phải có 3 bậc đầu nằm tại cung tốt để tiếp khí tốt, sau đó sẽ chuyển hướng thân thang theo cấu trúc của nhà. Trong thực tế để lai mạch - dẫn khí nằm trọn vẹn ở cung vị tốt sẽ rất khó vì ô cầu thang có thể chạy dài hoặc mở rộng kết hợp giếng trời. Vì vậy, phần dẫn khí dọc theo cầu thang cần lưu tâm đến sự liên kết với cửa trên mái hay hành lang các tầng, đảm bảo thân cầu thang không bị tối tăm, giảm các ngóc ngách trang trí dư thừa dọc theo lối lên thang. Cần chú ý cầu thang là nơi đi lại và dẫn truyền khí chứ không phải là nơi trưng bày phô diễn đồ đạc, do đó sự đơn giản về cấu tạo và an toàn theo mỗi bước chân là quan trọng nhất. Có thể sử dụng cấu trúc cầu thang như một thành phần làm đẹp cho ngôi nhà, nhưng tiêu chí này phải xếp sau các giá trị về tính thông suốt khi quan sát, khả năng định hướng rõ ràng cho người lên xuống thang, khả năng thông thoáng và chiếu sáng trọn vẹn, đầy đủ các bậc thang (hình 2). Với trẻ em, người già và những người có chứng sợ độ cao, cầu thang cần thiết kế sao cho không có khoảng hun hút trong lòng các vế thang, có thể dùng vách kính cường lực và thiết kế tay vịn, lan can ít khe hở, giảm tầm nhìn từ trên xuống để an toàn hơn (hình 3 - một bệ gỗ cạnh cầu thang, đặt chậu cảnh để ngăn không cho người sử dụng ra sát lan can nhìn xuống dưới giếng trời).
KTS Hà Anh Tuấn
(Theo TNTS)