Lịch sử của nhà kiểu Victoria
Đúng như tên gọi của mình, những ngôi nhà kiểu Victoria là đại diện của phong cách kiến trúc phổ biến dưới triều đại Nữ hoàng Victoria (1837-1901) của nước Anh. Tuy vậy, một số chi tiết đặc trưng của nhà Victoria có nhiều nét tương đồng với các phong cách kiến trúc lâu đời hơn như kiến trúc Gothic thời Trung cổ và kiến trúc Roman.
Nhờ lãnh thổ rộng lớn của Đế quốc Anh trong thời kỳ đó, kiến trúc Victoria có tầm ảnh hưởng rộng khắp thế giới. Nhiều kiến trúc sư mới vào nghề dưới thời Victoria có xu hướng đi đến các thuộc địa để bắt đầu sự nghiệp của họ. Do vậy, phong cách kiến trúc này được tìm thấy trên khắp nước Anh, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand và được ưa chuộng trong hơn 200 năm qua.
Những đặc trưng của phong cách kiến trúc Victoria
Có một số nét đặc trưng xác định, phân biệt phong cách kiến trúc Victoria với các phong cách khác. Mặc dù kiến trúc sư qua mỗi thời kỳ có thể sáng tạo ra những tùy biến khác nhau, nhưng một ngôi nhà kiểu Vicroria thường có các đặc điểm sau:
Về ngoại thất : Nhà có mái dốc, đầu hồi, các góc bo tròn, có tháp để chuông hoặc gác mái, cửa sổ nhiều hình dạng phong phú, đặc biệt là cửa sổ lồi, kính màu, các chi tiết trang trí bằng gỗ, màu sơn chủ yếu là màu sáng.
Về nội thất : Nhà gồm 2-3 tầng, mỗi tầng đều có nhiều ngóc ngách, trần cao, cầu thang trang trí công phu, nhiều chi tiết bằng gỗ chạm trổ phức tạp.
Do cách biệt về địa lý và chịu tác động của từng thời kỳ lịch sử, nhà Victoria có một số khác biệt nhất định về phong cách kiến trúc. Dưới đây là một số phiên bản phổ biến nhất của nhà kiểu Victoria:
Kiểu Gothic Revival (1830-1860)
Nhà Victoria kiểu Gothic Revival được lấy cảm hứng từ các nhà thờ thời Trung cổ ở châu Âu. Những ngôi nhà này cũng thường được so sánh với các lâu đài. Đặc trưng của nhà Gothic Revival là mái dốc, vòm nhọn, đầu hồi hướng về phía trước, có những chi tiết trang trí bằng gỗ, hình dáng tinh tế gọi là vergeboard.
Kiểu Italiante (1840-1870)
Lấy kiểu mẫu là những căn biệt thự thời Phục hưng của Ý, những ngôi nhà Victoria kiểu Italiante thường chỉ có hai tầng. Trái ngược với những biến thể phong cách Victoria khác, nhà Italiante có mái nhà thấp và mái hiên rộng. Tuy nhiên, kiểu nhà này vẫn có những chi tiết trang trí tinh xảo đúng như đặc trưng của phong cách Victoria.
Kiểu Đế quốc thứ hai (1852-1870)
Những ngôi nhà kiểu này chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Pháp trong thời gian trị vì của Napoléon III. Nhà kiểu Đế quốc thứ hai thường khá vuông vắn, có gác mái và trang trí ngoại thất rất công phu, cầu kỳ ở tất cả các mặt của ngôi nhà.
Kiểu Stick-Eastlake (1860-1890)
Đặc trưng của những ngôi nhà kiểu Stick-Eastlake là chúng chủ yếu được làm từ gỗ - loại vật liệu rẻ tiền và dễ kiếm trong thời kỳ đó. Nhà Stick-Eastlake có phần khung gỗ khá góc cạnh, được bao phủ bởi những chi tiết trang trí cũng bằng gỗ. Ngoài ra, nhà kiểu này thường có mái dốc, lợp ngói và cửa sổ hai cánh.
Kiểu Folk Victoria (1870-1910)
Là một phiên bản đơn giản của nhà kiểu Victoria điển hình, nhà Folk Victoria thường nhỏ hơn, vuông vắn, thiết kế không quá phức tạp (không có tháp hoặc gác mái). Tuy vậy, ta vẫn có thể nhận ra những đặc trưng như chi tiết trang trí giống như viền ren ở hiên nhà, đường mái nhà và các góc đều được vát.
Kiểu Nữ hoàng Anne (1875-1905)
Đây có lẽ là phiên bản nổi tiếng nhất trong tất cả các kiểu nhà theo phong cách Victoria. Nhà kiểu Nữ hoàng Anne xuất hiện phổ biến từ cuối triều đại Victoria, có đặc trưng là mái nhà có đầu hồi, tháp tròn, nặng về trang trí, các cửa sổ lớn với chức năng và thiết kế giống nhau.
Hương Liên