Toà nhà mang tên The Pertamina Energy Tower sẽ có độ cao 530m, được xây dựng ở Jakarta, gần gấp đôi chiều cao của Cemindo Tower, toà tháp cao nhất Indonesia hiện tại với chiều cao 269m, cũng nằm tại Jakarta.
Theo nhà thiết kế của công trình này, ông Skidmore thuộc công ty Owings & Merrill (SOM), The Pertamina Energy Tower có các mặt tròn lên trên đỉnh, được thiết kế mở ra ở phía trên, tạo ra một phễu hút gió khổng lồ để tận dụng sức gió trên cao và tạo ra năng lượng cho cả toà nhà.
SOM cho biết, được ví như “người dẫn đường của năng lượng”, bề mặt cong bên ngoài toà nhà cũng được thiết kế phù hợp với khí hậu xích đạo nóng nực tại Jakarta, có tác dụng làm dịu bớt ánh nắng mặt trời trong suốt cả năm.
Ngoài ra, với lợi thế mặt trời toả sáng quanh năm, toà nhà 99 tầng này cũng tận dụng được nhiều ánh sáng tự nhiên và giảm nhu cầu sử dụng năng lượng thắp sáng.
Nhìn chung, khi được hoàn thành vào năm 2020, toà nhà sẽ giảm đáng kể nhu cầu sử dụng nước và ứng dụng công nghệ ngăn chặn ô nhiễm môi trường (zero discharge), vừa giúp giảm bớt 26% lượng khí C0 2 phát sinh trong môi trường, vừa tiết kiệm được 25% năng lượng từ các nguồn tái tạo.
Nằm tại khu vực lân cận Rasuna Epicentrum của Jakarta, dự án có quy mô 495.000m 2 này dự kiến sẽ tạo ra không gian làm việc và sinh hoạt cho hơn 20.000 nhân viên của Pertamina. Trong quần thể của dự án còn có một thính phòng lớn 2.000 ghế, một nhà máy năng lượng trung tâm và một nhà thờ Hồi giáo.
Ngọc Thương (Lược dịch)