Như thông tin đã đưa trước đó, chỉ trong vòng một tuần, Thái Lan đã liên tiếp đưa ra 3 vụ điều tra chống bán phá giá (AD) đối với các sản phẩm tôn, thép các loại nhập từ nước ngoài, bao gồm cả Việt Nam; đấy là chưa kể trước đó nhiều thị trường xuất khẩu khác trong khu vực cũng khởi xướng điều tra AD với sản phẩm tôn của Việt Nam.
Động thái này của các nước đã khiến các doanh nghiệp của Việt Nam thấp thỏm lo âu vì nguy cơ mất thị trường xuất khẩu như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,… Việc mất đi những thị trường này sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp nội càng trở nên lao đao hơn, vì nhiều năm nay, thị trường nội địa đã rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu từ Đài Loan,Trung Quốc và với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại thị trường nội địa.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, trong gần 2 triệu tấn tôn kẽm và phủ màu sản xuất 8 tháng đầu năm 2015 của toàn ngành, thì lượng tôn các loại xuất khẩu khoảng 600 nghìn tấn, tương đương hơn 50% cơ cấu sản phẩm của tổng lượng thép xuất khẩu toàn ngành và tập trung chủ yếu ở các nước ASEAN. Vì thế, khi một số thị trường các nước trong khu vực liên tục áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã khiến cho các sản phẩm này khó xuất khẩu. Thậm chí nếu có thì mức giá bị áp sẽ triệt tiêu hoàn toàn khả năng cạnh tranh sản phẩm tôn thép của Việt Nam trên thị trường.
Các sản phẩm tôn, thép Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thị trường xuất khẩu do liên tục bị kiện |
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Văn Sưa nhận xét, với tình trạng các sản phẩm của Việt Nam liên tiếp vướng vào các vụ kiện như gần đây, thì năm 2016 sẽ là một năm vô cùng gay go của các doanh nghiệp ngành tôn lạnh và mạ màu, đấy là chưa kể sản phẩm tôn Trung Quốc được nhập ồ ạt về Việt Nam.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, đây cũng là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, đồng thời giảm giá thành và nâng các chất lượng sản phẩm nhằm tìm thị trường xuất khẩu mới. Nhưng việc xây dựng được một thị trường mới không hề đơn giản vì kèm theo đó là tốn kém chi phí. Bởi vậy, việc mất thị trường chắc chắn có ảnh hưởng đến đầu ra sản xuất của doanh nghiệp.
Được biết, mới đây Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị lên Chính phủ đưa vụ việc điều tra tự vệ tôn lạnh của Chính phủ Indonesia ra giải quyết tranh chấp thương mại tại WTO nhằm đảm bảo lợi ích, đồng thời giữ được thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp. Việc làm này cũng là động thái tích cực của Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ tích cực quyền lợi của các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu trước các cáo buộc vi phạm trong hoạt động tự vệ thương mại của các nước nhập khẩu.