1. Trời nồm là gì?
Trời nồm là một hiện tượng thời tiết rất đặc trưng của khí hậu miền Bắc nước ta, thường xuất hiện vào cuối xuân, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Khi trời nồm, độ ẩm không khí ở mức cao, lên đến hơn 90%, khiến hơi nước ngưng tụ thành nước, đọng lại trên mọi bề mặt như tường, sàn nhà, mặt bếp, đồ nội thất, đồ điện tử,…
Trời nồm là hiện tượng nước ngưng đọng trên các bề mặt do không khí thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng.
Nguyên nhân gây ra trời nồm là do thời tiết rét và khô kéo dài trong những tháng mùa đông làm cho nhiệt độ nền nhà xuống thấp. Sang xuân, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, những đợt gió nồm mang không khí ẩm từ biển vào, gặp không khí lạnh trong đất liền một cách đột ngột sẽ bị ngưng tụ lại thành nước, đọng trên các bề mặt, gây ra hiện tượng trời nồm. Mỗi năm thường có từ 4-5 đợt nồm ẩm, mỗi đợt có thể kéo dài từ 2-6 ngày. Thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng càng đột ngột, chênh lệch nhiệt độ càng cao thì càng dễ xảy ra trời nồm. Hiện tượng nồm ẩm dễ nhận thấy nhất ở những tầng thấp của ngôi nhà. Những tầng cao của nhà mặt đất hoặc căn hộ chung cư cao tầng ít chịu ảnh hưởng của thời tiết nồm ẩm hơn.
Nền nhà ẩm ướt, trơn trượt vào mùa nồm gây ra nhiều khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt.
Hiện tượng trời nồm thường gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Sàn nhà bị nồm đầy nước đọng hay còn gọi là “đổ mồ hôi”, sờ vào mọi bề mặt đều có cảm giác ẩm ướt, dấp dính; quần áo giặt lâu khô, mùi hôi khó chịu; các thiết bị điện tử dễ hỏng hóc; không khí trong nhà bức bí,… Bên cạnh đó, trời nồm cũng gây tác động xấu đến sức khỏe con người. Độ ẩm cao trong tiết trời nồm là môi trường lý tưởng để nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh như cảm cúm, dị ứng, mẩn ngứa, hen suyễn,… Hiện tượng thời tiết khó chịu này cũng khiến các lỗ chân lông bị bí, làm cản trở quá trình bài tiết qua da, kéo theo hàng loạt các vấn đề như đau đầu, mệt mỏi, các bệnh về khớp, tim mạch, tiêu hóa,… Chính vì vậy, nhiều người coi trời nồm là kiểu thời tiết khó chịu nhất trong năm. Mùa nồm đến khiến ai ai cũng phải ngán ngẩm, chỉ mong nhanh qua.
2. Cách ứng phó với trời nồm
Trời nồm ẩm khó chịu như vậy nhưng không phải không có cách khắc phục. Dù không dễ tìm được cách làm nhà hết nồm hoàn toàn nhưng chúng ta có thể hạn chế, giảm thiểu những bất tiện, khó chịu do trời nồm gây ra. Dưới đây, Muonnha.com.vn sẽ tổng hợp một số “bí kíp” đối phó với trời nồm khá đơn giản, hiệu quả mà bạn đọc có thể áp dụng để “chung sống hòa bình” với hình thái thời tiết đặc biệt này nhé!
Chống nồm khi xây nhà bằng xỉ than
Do trời ẩm là hiện tượng thời tiết khó tránh khỏi nên ngay từ khi khởi công xây nhà, bạn nên tính tới các biện pháp chống nồm. Sử dụng xỉ than là cách chống nồm khi xây nhà đơn giản, hiệu quả mà người Pháp đã áp dụng cho những công trình của họ từ lâu, được nhiều nơi trên thế giới học tập. Xỉ than được dùng để chống nồm ẩm là loại xỉ than cục, kích cỡ khoảng 1-2 cm, có bán tại các cửa hàng, đại lý vật liệu xây dựng ở Hà Nội. Ngoài ra, một số cơ sở dệt nhuộm, tơ tằm ở ngoại thành Hà Nội cũng bán loại xỉ này. Trước đây, loại xỉ than này bị coi là phế phẩm, thậm chí người ta phải mất tiền thuê chở đi đổ. Nhưng hiện nay, nhiều người có nhu cầu mua xỉ than, chủ yếu để chống nồm ẩm cho sàn, chống nóng, chống ồn cho trần nhà nên mặt hàng này bán khá chạy.
Quy trình thi công chống nồm ẩm bằng xỉ than như sau:
- Đào sâu nền nhà 50-75cm, san bằng nền đất, đổ cát vàng dày 35-45cm, tiếp tục san bằng, sau đó đổ xỉ than dày 25-30cm lên.
- Dầm đều nền nhà bằng dầm điện, bổ sung thêm cát vàng vào lớp xỉ than, sau đó tưới đều nước vào nền cho thật sũng, tạo thành lớp nền chắc chắn, gồm 2 lớp: cát vàng ở dưới, xỉ than ở trên.
- Trước khi lát gạch nền, trộn đều xi măng cát vàng khô (tỷ lệ như vữa xây) và trải đều 1 lớp cát vàng xi măng dày khoảng 2cm lên nền xỉ than. Tiếp theo, tráng một lớp vữa xi măng cát ướt (tỷ lệ xi măng: cát đen đã rửa sạch là 2:1) rồi lát gạch nền lên là hoàn thành.
Nhờ lớp nền có xỉ than hút ẩm, những ngôi nhà như thế này sẽ hạn chế được hiện tượng nồm ẩm khó chịu vào mùa xuân. Có gia chủ bật mí nhà xây xong, vào ở đã 5 năm nhưng chưa từng bị nồm nhờ xử lý chống nồm tốt ngay từ đầu.
Xỉ than có tác dụng hút ẩm, chống nồm cho nền nhà.
Với trường hợp nhà đã bị nồm, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để hạn chế ảnh hưởng của nồm đến không gian sống và sinh hoạt hàng ngày:
Đóng kín các cửa
Trời nồm nên bật điều hòa chế độ hút ẩm để nhà khô ráo hơn.
Trời nồm có nên mở cửa? Trời nồm có nên bật điều hòa? Nhà nồm bật điều hòa chế độ nào? Đây là những câu hỏi thường gặp mỗi khi mùa nồm đến. Trong những ngày nồm ẩm, sàn, tường, trần nhà đều ướt át, không khí bí bách, mùi ẩm mốc khiến nhiều người muốn mở cửa cho thông thoáng hoặc bật quạt, mong gió sẽ làm khô nhà, giảm ẩm. Tuy nhiên, đây chính là một sai lầm tai hại khiến nhà càng thêm ẩm. Những cơn gió với độ ẩm cao không thể thổi khô sàn nhà mà còn mang thêm hơi nước vào nhà, khiến nhà ẩm ướt hơn. Bởi vậy, trong những đợt nồm, bạn nên đóng kín tất cả cửa ra vào, cửa sổ để ngăn hơi ẩm. Thay vì bật quạt, bạn hãy bật điều hòa ở chế độ hút ẩm sẽ tốt hơn.
Lau nhà bằng giẻ khô
Khi sàn nhà sũng nước do nồm, nếu dùng khăn hoặc giẻ ướt để lau dọn thì sàn khó có thể khô ráo được, dù có dùng nước nóng hay vắt kĩ khăn, giẻ. Thay vào đó, bạn hãy dùng khăn, giẻ loại khô, sạch để lau nước cũng như vết bụi bẩn trên sàn nhà. Ở các vị trí chuyển tiếp các không gian như từ sân vào nhà, từ nhà chính xuống bếp, bạn có thể để vài miếng bìa các-tông thay cho thảm chùi chân thông thường. Bìa các-tông cũng có khả năng hút ẩm, giữ vệ sinh tốt hơn trong những ngày trời nồm “ẩm ương”.
Dùng máy hút ẩm
Máy hút ẩm không khí là thiết bị chuyên dụng giúp hạn chế độ ẩm, ứng phó với trời nồm.
Máy hút ẩm không khí cũng là một giải pháp đối phó với trời nồm được nhiều gia đình áp dụng vì hiệu quả tốt, dễ thấy. Đây là thiết bị chuyên dụng để hạn chế độ ẩm không khí, giúp nhà khô thoáng, dễ chịu hơn. Để máy hút ẩm hoạt động tốt nhất, cần chú ý không đặt máy sát tường, tránh hiện tượng rò điện gây tai nạn, chập, cháy. Không nên sử dụng máy hút ẩm liên tục trong thời gian dài vì có thể dẫn đến khô da, mệt mỏi, khó thở. Ngoài ra, để đảm bảo tuổi thọ hoạt động, máy hút ẩm cũng cần được bảo dưỡng như định kỳ thay bộ lọc không khí, xả hết nước trong máy khi không sử dụng.
Dùng than củi, vôi sống
Nếu không có điều kiện sắm máy hút ẩm chuyên dụng, bạn vẫn có thể xử lý nhà bị nồm bằng những vật liệu hút ẩm dễ kiếm, rẻ tiền như than củi (than hoa) hay vôi sống. Đặt chậu đựng than củi, vôi sống ở các góc nhà, dưới gầm giường, gầm ghế,… có tác dụng hút bớt hơi nước và một số hợp chất bay hơi khác, hạn chế độ ẩm, giữ bầu không khí trong nhà sạch sẽ, giảm mùi ẩm mốc khó chịu khi trời nồm.
Bảo quản đồ dùng, thiết bị điện tử
Độ ẩm không khí quá cao trong những ngày trời nồm cũng là nguyên nhân khiến các đồ dùng, thiết bị điện tử trong nhà như ti vi, loa, máy tính,… gặp sự cố, hỏng hóc. Vì vậy, ít nhất vài ngày một lần, bạn hãy bật các thiết bị này hoặc để ở chế độ chờ để các mạch điện bên trong nóng lên, không bị quá ẩm dẫn đến sự cố. Ngoài ra, không nên để các thiết bị điện tử tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà hoặc sát tường mà phải đặt cách sàn tầm 1m, cách tường từ 10-15cm.
Sử dụng tinh dầu đẩy lùi mùi ẩm mốc
Tinh dầu giúp xua tan mùi ẩm mốc khó chịu khi nhà nồm.
Các loại tinh dầu như oải hương, sả chanh, thảo mộc mùa xuân,… rất thích hợp để xua tan mùi ẩm mốc, khó chịu khi nhà bị nồm. Hãy chọn mùi hương yêu thích để ngôi nhà của bạn luôn thơm tho, dễ chịu ngay cả trong những ngày nồm ẩm ướt nhé!
Chống ẩm mốc cho quần áo
Trước khi cất quần áo vào tủ, hãy đảm bảo quần áo đã hoàn toàn khô ráo. Nếu có điều kiện sắm tủ sấy quần áo, bạn có thể yên tâm rằng quần áo của mình đã sạch, khô. Với lượng quần áo ít, bạn cũng có thể dùng máy sấy tóc hoặc bàn là để làm khô. Ngoài ra, tủ quần áo thường được kê ở vị trí góc tường nên dễ bị ẩm hơn khi trời nồm. Bạn hãy đặt vào tủ quần áo một vài viên hút ẩm hoặc hộp hút ẩm, có bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán đồ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Chống ẩm mốc cho đồ dùng bằng gỗ, tre
Trong tiết trời nồm ẩm ướt, các loại đồ dùng trong bếp như đũa, muỗng, muôi bằng gỗ, tre rất dễ bị ẩm mốc. Để hạn chế ẩm mốc và khử khuẩn cho đồ dùng, lý tưởng nhất là sử dụng máy sấy bát đĩa. Nếu không có, bạn có thể dùng nước nóng tráng qua đồ dùng sau khi đã rửa sạch rồi để nơi khô ráo.
Tăng cường sức khỏe
Chế độ ăn với nhiều vitamin giúp tăng cường sức khỏe, chống lại các bệnh thường gặp trong mùa nồm.
Không khí ẩm ướt, bức bí trong mùa nồm là môi trường lý tưởng để nấm mốc sinh sôi, gây ra nhiều bệnh theo mùa, ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và gia đình. Vì vậy, hãy chú ý tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao, uống đủ nước và bổ sung các vitamin để đối phó với mùa nồm.
Trên đây là tổng hợp một số “bí kíp” ứng phó với trời nồm, bảo vệ ngôi nhà và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình bạn. Muonnha.com.vn hy vọng rằng với những cách chống nồm đơn giản, dễ thực hiện này, bạn sẽ hạn chế được những khó chịu, bất tiện do trời nồm ẩm mang đến. Mùa nồm rồi sẽ sớm qua thôi!
Lan Chi
>> Hướng dẫn vệ sinh sàn nhà các loại thông dụng
>> 10 loại cây lọc không khí trong nhà tốt nhất hiện nay