Sản xuất phôi thép |
Những tháng đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng mạnh cả về tiêu thụ và sản xuất các sản phẩm thép trong đều đạt hơn 35% cho thấy khả năng đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về các sản phẩm thép xây của các doanh nghiệp trong nước.
Nhưng theo Hiệp hội thép Việt Nam cũng nhận định, nhu cầu thép trong nước từ tháng 3 - 5 là tốt, tuy vậy lại giảm nhẹ trong tháng 6 và có xu hướng sụt giảm trong 1-2 tháng tới.
Báo cáo từ VSA cũng cho biết sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên tháng 6 đạt hơn 1,5 triệu tấn, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng giảm 6,6% so với tháng trước.
Trong tháng 6, bán hàng các sản phẩm thép đạt hơn 1 triệu tấn, cũng tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ 2015, và giảm gần 12% so với tháng 5. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt hơn 250.000 tấn, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho biết: “Mức tiêu thụ thép dài xây dựng giảm 8,7% so cùng kỳ năm trước và giảm 18,4% so với tháng 5 do nhu cầu giảm theo vụ mùa và các nhà thương mại giảm tối đa hàng tồn khi để giảm thiểu rủi ro trong xu hướng giá giảm nhanh.”
Cùng đó, giá nguyên vật liệu cũng đã giảm ở mức 15-20 USD/tấn cho thép phế và phôi, đồng thời, giá bán thép thành phẩm giảm mạnh từ 800.000 - 1 triệu đồng/tấn do cạnh tranh về thị phần rất khốc liệt.
Hiện tại, giá bán thực tế tại nguồn (chưa tính VAT, giao tại nhà máy, trừ chiết khấu tối đa) tùy theo quy cách, chủng loại sản phẩm, tùy theo nhà sản xuất với thép cây thông dụng phổ biến ở mức từ 9,3-9,7 triệu đồng/tấn; thép cuộn từ 9,3-9,9 triệu đồng/tấn…
Sản lượng thép xây dựng sản xuất ra trong tháng 6 đạt hơn 680.000 tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng bán hàng chỉ đạt gần 484.000 tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, sau gần 2 tháng do tác động tâm lý của các nhà đầu cơ tích trữ để đưa hàng ra cho các tháng sau, thị trường thép xây dựng đã đần ổn định trở lại.
Ông Sưa còn cho biết thêm, Việt Nam trong thời gian qua cũng đã có nhiều động thái liên quan đến phòng vệ thương mại, kiện chống bán phá giá của các doanh nghiệp trong nước để bảo vệ sản xuất trong nước và dành thị phần. Nhưng đó chỉ là các giải pháp ngắn hạn.
Trong khi dự báo nhu cầu thép trong nước sẽ sụt giảm, để giữ được thị phần trong nước, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất… để có giá thành cạnh tranh hơn.