Thiệt đủ đường
Với vẻ đẹp mang nguồn gốc tự nhiên, đồ gỗ nội thất giúp người mua dễ dàng kết hợp chúng với nhiều không gian nội thất khác nhau. Ngay cả trong những điều kiện không gian đòi hỏi sự linh hoạt, đồ gỗ vẫn có thể sắp đặt hợp lý, đẹp, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng từ truyền thống đến hiện đại. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm trong việc phân loại các loại gỗ, phát hiện những “chiêu trò” của người bán, khách hàng sẽ rất dễ mua phải các sản phẩm nội thất có chất lượng gỗ kém hoặc chênh nhau về giá bán.
Ông Phạm Văn An (Hoàn Kiếm - Hà Nội) đặt mua một chiếc kệ ti vi làm bằng gỗ xoan đào tại một cửa hàng chuyên bán đồ gỗ nội thất trên đường Đê La Thành (Hà Nội). Để tận dụng không gian phía dưới gầm cầu thang, ông Phạm Văn An đã đo đạc cẩn thận và nhờ xưởng mộc đóng riêng tủ để phù hợp với không gian trong nhà. “Tôi từng học qua nghề mộc nên rất cẩn thận trong việc lựa chọn nội thất gỗ trong gia đình.
Nhận tủ sau một tuần đặt mua, tôi kiểm tra rất kỹ chất lượng gỗ, các khớp cam, lỗ bắn bàn lề, gờ tủ… thậm chí còn xem kỹ vân gỗ xem có đúng là gỗ xoan đào hay không. Không phát hiện ra lỗi của sản phẩm, tôi trả tiền cho cửa hàng và an tâm về chiếc kệ ti vi của mình. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, kệ ti vi bắt đầu bị sệ cánh, lung lay, các góc cạnh của tủ bị bong tróc. Kiểm tra kỹ mới biết, tủ chỉ có mặt trên làm bằng gỗ xoan đào, còn lại lớp dưới và chân đều được dán 1 lớp tech bên ngoài giống hệt gỗ thịt còn bên trong trộn toàn gỗ công nghiệp”.
Theo chủ cửa hàng gỗ Huy Yến (Đê La Thành - Hà Nội): “Do lượng gỗ tự nhiên ngày càng hiếm, giá thành lại cao nên nhiều cửa hàng bán đồ gỗ nội thất ham rẻ đã nhập hàng gỗ OB, PSB, WB (gỗ dăm) MDF (ván ép bột gỗ sợi không bị đàn hồi hay co ngót) để bán ra thị trường. Mặc dù là gỗ chế biến nhưng chúng cũng chênh nhau đến 150.000- 200.000 đồng. Do vậy, nhiều chủ cửa hàng đã lợi dụng điều này để trà trộn các loại gỗ với nhau nhằm đánh lừa người tiêu đùng. Hiện nay, ở những cửa hàng bán đồ gỗ tự nhiên, các sản phẩm như: Kệ tivi, tủ quần áo, tủ để giày dép làm bằng gỗ đa phần đều trà trộn gỗ công nghiệp”.
Bên cạnh đó, những sản phẩm gỗ kém chất lượng còn gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Đỗ Hoàng Oanh - Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM: “Người tiêu dùng có thể bị nhiễm độc bởi những sản phẩm ván gỗ lót sàn nhà công nghiệp kém chất lượng do có chứa chất Polycylic aromatic hydrocarbon. Chất này gây kích ứng màng nhầy (mũi, mắt) và cổ khiến người sử dụng lâu ngày cảm giác khó thở, nhức đầu và có thể gây ung thư do tiếp xúc lâu ngày.
Bí quyết chọn mua đồ gỗ nội thất
Theo chị Nguyễn Thị Hải Yến - chủ cửa hàng gỗ Huy Yến (Đê La Thành- Hà Nội): “Khi mua đồ gỗ nội thất, khách hàng nên lưu ý kiểm tra các bộ phận dễ bị lỗi như: Chân, khung cửa, mặt ngăn kéo vì chúng thường bị trà trộn các loại gỗ kém chất lượng, gỗ ép. Bên cạnh đó, sản phẩm nếu có trang trí hoa văn thì phải sắc nét, đẹp mắt, không có những đầu mẩu gỗ thừa, mắt sâu hay bị rạn nứt. Đồng thời, người tiêu dùng không nên mua sản phẩm có các bộ phận gỗ như tấm ngăn, tấm lót, ngăn kéo... bị mọt, sứt sẹo, chắp vá, thiếu hụt. Đối với những đồ gỗ quét sơn, màu sơn phải đều, có độ bóng đẹp, không có nốt sần hay vết nhăn; về thẩm mỹ không nên chọn đồ gỗ có màu quá tương phản nhau ở các bộ phận”.
Ngoài kiểm tra bề ngoài sản phẩm, khách hàng cũng nên kiểm tra kỹ các kết cấu nội thất gỗ. Theo anh Lại Thế Dụng chủ một xưởng thợ mộc tại Nam Định: Với sản phẩm lớn, khách hàng nên lưu ý xem chúng có lỗ mộng truyền thống và khớp mộng luôn tại đó không. Thậm chí với những sản phẩm gỗ nội thất đắt tiền, người tiêu dùng phải cẩn thận kiểm tra các đinh vít, keo có chắc chắn không.
“Bên cạnh đó, hiện nay các đồ gỗ dùng trong gia đình đang bày bán trên thị trường thường có 2 loại: Kết cấu khung và kết cấu ghép liên tiếp. Khi chọn loại kết cấu khung, người mua nên quan sát cẩn thận những điểm nối của khung có chắc chắn và có bị hở hay không; nếu mua cửa gỗ thì 4 góc cửa phải vuông góc. Ngoài ra, đối với các sản phẩm có kết cấu ghép liên tiếp, khách hàng nên kiểm tra chỗ tiếp giáp nhau của chúng xem sản phẩm có thể chịu được lực tốt không. Đồng thời, các linh kiện bằng kim loại ghép thêm vào phải chắc chắn, ngay ngắn, các đầu đinh không được lộ ra ngoài bề mặt gỗ hoặc hụt quá sâu” - anh Lại Thế Dụng chia sẻ.
Do có độ bền cao nên những sản phẩm làm bằng gỗ còn được sử dụng ngoài trời để làm cửa chính, cột, lan can, bàn ghế sân vườn… Đối với những sản phẩm này, khách hàng nên mua loại làm bằng gỗ đặc và không có kết cấu lắp ráp, có mặt ván vì sẽ dễ đọng nước và xẻ nứt do tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên. Loại gỗ tốt để làm những sản phẩm gỗ bày ngoài trời thường là: chò chỉ, dầu đỏ, tràm bông, cẩm lai và phải qua tẩm sấy và quét dầu hay sơn lên bề mặt. Đối với sản phẩm gỗ dán nên được phủ nhiều lớp PU (sơn trong để bảo vệ) và phủ lớp UV (sơn trong hạn chế trầy xước).