Cách trang trí lên bề mặt tường có thể phụ thuộc vào chức năng của chúng hoặc không gian đặc trưng riêng cho từng khu vực. Ví dụ, trang trí tường ở phòng khách phần lớn phụ thuộc vào mô tip chung để đảm bảo cảnh quan hài hòa, tổng thể với ngôi nhà. Tường trong không gian nghỉ ngơi lại tự do phá cách theo ý của chủ nhân căn phòng. Điều cần lưu ý là dù đó là tường bao che hay tường ngăn cách đều có tiếng nói riêng và cần có cách thể hiện riêng cho phù hợp.
Khi trang trí, cự ly nhìn của tường cũng đóng vai trò trong cách thể hiện ý tưởng, bố cục. Với những bức tường có điểm nhìn gần không nên tạo quá nhiều họa tiết rối mắt hay hoa văn có màu sặc sỡ. Nên dùng tông màu sáng, tương đồng với màu của bức tường đó cho họa tiết trang trí.
Đồng thời, bố cục của ý tưởng trang trí trên tường nhà phải đảm bảo người nhìn có thể quan sát và cảm nhận được, vì với tầm nhìn ngắn mà điểm những hoa văn, khung tranh quá cỡ thì sẽ phá vỡ bố cục hẹp của bức tường. Trong khi đó, những bức tường có điểm nhìn xa thì không nên sử dụng họa tiết trang trí lắt nhắt, nên tạo nhiều mảng khối sẽ tạo góc nhìn đẹp và ấn tượng hơn.
Ngoài việc sử dụng họa tiết, hoa văn trang trí trên tường, KTS cũng gợi ý nhiều gia chủ làm tăng thêm tính thẩm mỹ của tường qua cách bài trí nhẹ, điểm xuyết bằng những kệ nhỏ gắn liền với tường hình hộp, hình nhánh cây….để trưng bày vật dụng trang trí một cách nhẹ nhàng, độc đáo.
Đối với tranh treo tường, thì mỗi không gian theo một trường phái khác nhau. Ví dụ, tường trong phòng khách không thể treo tranh tĩnh vật hoa quả mà theo phong cách quý phái, sang trọng. Hoặc trong phòng ngủ tránh treo khổ quá lớn, phòng sinh hoạt chung nên có tính “động” hơn là tranh siêu thực….
Ở những bức tường gần cuối hành lang hoặc cửa sổ nhìn ra ngoài nên tạo một điểm nhìn có nội dung theo kiểu “định hướng thị giác”, khi đó tầm nhìn của mọi người sẽ sâu hơn, không bị cảm giác gò bó và bị ngăt quãng.
(Theo Đô Thị)