"Ăn bẩn còn hơn chết đói"
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu, trước năm 2016, các nhà máy xi măng sẽ phải hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ các dây chuyền xi măng lò đứng sang lò quay.
Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng, PGS.TS Lương Đức Long, cho biết, nên "khai tử" công nghệ xi măng lò đứng là đúng, kể cả không đợi đến hạn, các nhà máy xi măng sử dụng công nghệ này đã tự dừng và chuyển sang sản xuất các vật liệu khác hoặc nghiền xi măng lò quay. Hiện chỉ còn duy nhất một nhà máy sử dụng công nghệ lò đứng nhà máy xi măng Kiên Lương (Kiên Giang).
Ông Long khẳng định: "Nhà máy không làm ảnh hưởng đến môi trường vì nằm sát biển. Còn về tỷ lệ nhà máy xi măng lò đứng trong ngành xi măng thì hầu như không có nữa".
Vào giai đoạn cực thịnh của công nghệ xi măng lò đứng vào những năm 90 của thế kỷ trước, PGS.TS Lương Đức Long cho rằng, do thời kỳ đó Việt Nam rất thiếu xi măng, thậm chí năm 1997 còn có cơn sốt xi măng, có những lúc Việt Nam phải nhập khẩu xi măng nên Bộ Xây dựng mới đưa ra chương trình 3 triệu tấn xi măng lò đứng nhưng xác định, đây chỉ là giải pháp tình thế.
Với công nghệ này, chỉ cần đầu tư rất nhỏ, khoảng 2 triệu USD đã có được một nhà máy xi măng, trong khi nếu làm xi măng lò quay phải cần tới hàng trăm triệu USD. Từ việc đáp ứng được 3 triệu tấn xi măng, sau khi cải tạo, có thời điểm sản xuất tới gần 5 triệu tấn. Ông Long giãi bày: "Thời kỳ đó, phải lựa chọn giữa ăn bẩn với chết đói thì chắc chắn ăn bẩn sẽ được chọn. Khi xi măng lò đứng đã hoàn thành sứ mệnh thì không nói làm gì nhưng lúc ấy nếu bảo làm công nghệ xịn cũng không biết lấy tiền đâu".
Trong những năm 1990, Việt Nam có khoảng 40 nhà máy xi măng lò đứng, toàn bộ nhà máy xi măng cùng dây chuyền lò đứng tiêu chưa đến 100 triệu USD mà làm ra gần 5 triệu tấn xi măng. Nếu so sánh với công nghệ lò quay, trung bình phải mất khoảng 130 triệu USD/nhà máy và để sản xuất ra chừng ấy xi măng sẽ cần đến số tiền gấp 6-8 lần.
Tự "khai tử" trước hạn
Nhiều nhà máy xi măng lò đứng đã tự "khai tử" trước khi tới mốc 2016 như Quy hoạch đề ra.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam, hiện tỉnh này đã đóng cửa hết 5 nhà máy xi măng lò đứng và yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo khi chuyển đổi ngành nghề khác để tỉnh có biện pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo kinh doanh.
Tỉnh Hà Nam đã áp dụng các biện pháp tuyên truyền, ngoài ra, bản thân các nhà máy cũng tự thấy rằng không thể tiếp tục sản xuất với dây chuyền lò đứng lạc hậu lợi nhuận thấp, ô nhiễm, tốn nguyên liệu, chất lượng không đảm bảo, quan trọng nhất là không có khách. Thế nên sau khi Hà Nam có văn bản hướng dẫn lộ trình chuyển đổi từ năm 2011-2012, hiện toàn bộ các nhà máy sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng đã chấm dứt hoạt động, sớm hơn so với dự kiến.
8 nhà máy xi măng hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Nam đều sử dụng công nghệ lò quay.
Các nhà máy xi măng lò đứng đã tự "khai tử"
Còn ở Ninh Bình, ông Lưu Đắc Tại, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tỉnh chỉ có 2 nhà máy xi măng lò đứng nhưng đã không còn hoạt động nữa. Hiện toàn tỉnh Ninh Bình có 7 nhà máy xi măng: nhà máy Tam Điệp của Tổng Công ty xi măng Việt Nam, nhà máy Hướng Dương của Hà Hoa Tiên, nhà máy Duyên Hà, nhà máy Lucky Đài Loan, nhà máy Vissai, nhà máy Phú Sơn. Ngoài ra, tỉnh còn có nhà máy xi măng vốn của Xí nghiệp Đá Đồng Sao nhưng 4,5 năm nay không thấy hoạt động.
Ông Tại cho biết, dù các nhà máy xi măng của tỉnh đã sử dụng hết công nghệ lò quay nhưng mức độ ô nhiễm môi trường vẫn rất nghiêm trọng. Vào ban đêm, các ống khói xả khói, khí thải đen bốc lên cuồn cuộn. So với trước kia 2 nhà máy xi măng lò đứng cũng không ô nhiễm bằng. Tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra nhưng các nhà máy xi măng này chủ yếu là của tư nhân nên không nhiệt tình trong hợp tác.
Ngoài ra, công nghệ lò quay đang được sử dụng ở các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh được nhập từ Trung Quốc, Đan Mạch, máy móc từ Trung Quốc dù giá rẻ hơn nhưng tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng nhiều hơn hẳn so máy móc có nguồn gốc châu Âu.