Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo thị trường quý 3/2020 của Muonnha.com.vn, ông Vũ Tiến Hưng – Phó Giám đốc CTCP Đầu tư Phúc Long PNJ cho biết, gần đây, việc “bỏ phố về vườn” xây dựng các homestay/farmstay đang nổi lên như một xu hướng thuận theo tự nhiên, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân. Farmstay đang là loại hình du lịch mới và gây thu hút với khách du lịch. Chính vì thế, nhiều người đã đổ xô đi mua đất nông nghiệp để mở kinh doanh du lịch. Khá nhiều đơn vị đang xây dựng hệ thống các farmstay trải dài các điểm đến như Bình Châu – Vũng Tàu, Lagi – Bình Thuận, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long Khánh, Gia Lai, Long An, Vũng Tàu và Củ Chi (TP. HCM)...
Ông Hưng nhìn nhận, du lịch nông nghiệp là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới triển khai. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch. Dự báo trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích khi xu hướng xanh và xu hướng xanh đồng bộ ngày càng chiếm vai trò quan trọng. Bên cạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ.
Ông Vũ Tiến Hưng – Phó Giám Đốc CTCP Đầu tư Phúc Long PNJ nhìn nhận farmstay là một hình hình thức BĐS du lịch trải nghiệm giúp khai thác tốt tiềm năng của loại hình BĐS nông nghiệp.
Tuy nhiên do bản thân là một loại hình khá mới ở Việt Nam, farmstay hầu như chưa có một khung pháp lý nào cho sự hoạt động, chưa được kiểm nghiệm về cách thức vận hành, tỷ suất sinh lời. Điều này vô hình chung khiến việc đầu tư vào farmstay có sự mạo hiểm và rủi ro nhất định. Vì thiếu khung pháp lý nên nhiều dự án farmstay đang phát triển manh mún, lợi dụng bẫy lợi nhuận để thu hút nhà đầu tư. Đa phần các dự án farmstay hiện nay được thực hiện trên đất nông – lâm nghiệp, nên rất khó khăn để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi nhà đầu tư mua thường không có sổ đỏ, mà chỉ có hợp đồng và cam kết thời hạn làm được sổ đỏ.
Ngoài ra, rất nhiều dự án kêu gọi nhà đầu tư tham gia với các "bẫy” cam kết như tỷ suất lợi nhuận từ 15-20%; nhận sang nhượng lại mức 124% giá ban đầu... Nếu trong tương lai không có lợi nhuận, dự án farmstay đi vào bế tắc dễ xảy ra trường hợp chủ đầu tư “xù” cam kết và khách hàng gánh chịu thiệt hại. Farmstay cũng chỉ là một hình thức kinh tế chia sẻ, tính pháp lý chưa rõ ràng, cũng như condotel, farmstay trong bối cảnh chưa có khái niệm kinh tế chia sẻ vẫn chứa đựng nhiều rủi ro.
Vậy việc đầu tư vào loại hình này có mang lại hiệu quả? Mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn – farmstay có phải là kênh đầu tư tốt hay không? Trả lời cho câu hỏi này, ông Lý Minh Tâm – Giám đốc CTCP Đầu tư Phúc Long PNJ đánh giá, giống như tất cả các loại hình kinh doanh BĐS lưu trú, nghỉ dưỡng khác, kinh doanh farmstay cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải chấp nhận bước đi đường dài. Nếu khai thác tốt, mô hình này là cơ hội để thị trường khai phá tiềm năng BĐS nông nghiệp. Farmstay phát triển sẽ kéo theo BĐS nông nghiệp phát triển do nhu cầu chuyển quyền sử dụng đất để tích tụ đất đai làm farmstay. Giá trị BĐS nông nghiệp cũng từ đó được tăng lên nên đây là hướng đi hiệu quả cho thị trường này.
Ông Lý Minh Tâm – Giám đốc CTCP Đầu tư Phúc Long PNJ cho rằng, việc cam kết trước lợi nhuận cho đầu tư farmstay là hoàn toàn không có cơ sở và sai với nguyên tắc phát triển loại hình này.
Tuy nhiên ông Lý Minh Tâm thẳng thắn chia sẻ, việc CĐT đứng ra cam kết lợi nhuận từ mô hình này là hoàn toàn không đúng. “Cần phải hiểu bản chất của hình thức kinh doanh farmstay. Doanh nghiệp triển khai một dự án farmstay chính là bán một khu đất chưa có giá trị hình thành, khách hàng sẽ sử dụng khu đất để phát triển trang trại, xây nhà và kinh doanh lưu trú. Giá trị farmstay là từ việc nhà đầu tư có thể khai thác sản phẩm nông nghiệp nuôi trồng trên trang trại kết hợp với kinh doanh lưu trú du lịch từ chính sản phẩm họ triển khai. Việc chia sẻ hay cam kết lợi nhuận trên phần đất đã bán là hoàn toàn sai quy trình phát triển loại hình này”, ông Tâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, GĐ Phúc Long PNJ cũng cho biết, với những doanh nghiệp kinh doanh farmstay chân chính, không ai khuyến khích khách hàng đầu tư theo dạng lướt sóng BĐS nông nghiệp hay săn quỹ đất để dành rồi sang nhượng khi thị trường được giá. Đây vốn không phải là hình thức hoạt động của farmstay và cũng không giúp BĐS nông nghiệp gia tăng giá trị.
Riêng về yếu tố pháp lý, ông Vũ Tiến Hưng cho rằng, farmstay là những khu đất chuyển đổi một phần đất ở, còn lại là đất khuôn viên để phát triển mảng xanh. Nhiều khách hàng vẫn hiểu lầm là dự án farmstay triển khai trên đất nông nghiệp và không được lên thổ cư, không được phép xây nhà trên đó. Nguyên tắc phát triển farmstay là xây nhà trên phần đất thổ cư và sử dụng phần khuôn viên còn lại để phát triển cây xanh, nuôi trồng và tạo không gian nghỉ dưỡng, trải nghiệm như một thể loại sân vườn.
Farmstay là một loại hình du lịch sinh thái dành cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Cũng như mọi hình thức BĐS du lịch nghỉ dưỡng, đầu tư Farmstay đòi hỏi nhà đầu tư chọn sản phẩm triển khai ở vùng có tiềm năng về hạ tầng giao thông. Cần chú ý đến cả các yếu tố như dân cư, cộng đồng xung quanh để tiện cho việc chia sẻ, hỗ trợ. Đặc biệt muốn hút khách du lịch thì dự án phải thực hiện bài bản trước khi mở cửa kinh doanh. Nếu dự án khu du lịch trải nghiệm nông thôn – farmstay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và hoạt động kinh doanh du lịch, thì đây là mô hình đáng đầu tư.
Phương Uyên
>> Farmstay là gì? Cơ hội và thách thức khi đầu tư dự án farmstay?
>> Farmstay nở rộ, tách thửa đất nông nghiệp, đất rừng trái phép diễn ra tràn lan