Nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong nước, bảo đảm duy trì ổn định sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc cho xuất khẩu VLXD là hướng đi đúng đắn và cần thiết.
Ngành VLXD cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới xuất khẩu vào các thị trường lớn và có tiềm năng như: châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Trung Đông… |
Các DN thuộc lĩnh vực gốm sứ được nhắc đến như một lĩnh vực tiên phong trong xuất khẩu VLXD với những cái tên tiêu biểu như: Viglacera, Vinaconex, Hoàng Gia, Hồng Hà, Taicera, ToTo...
Các doanh nghiệp này đã nỗ lực tìm kiếm thị trường với nhiều hình thức tiếp thị đa dạng như tham gia hội chợ quốc tế, chào hàng ra nước ngoài... Vì thế nên cho đến nay, các sản phẩm gốm sứ xây dựng Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Trung Đông được xem là một thị trường tiềm năng của xuất khẩu VLXD
Việt Nam
Trong đó tiêu biểu có công ty Viglacera vẫn tiêu thụ tốt sản phẩm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 31,5 triệu USD.
Tuy nhiên do giá trị còn thấp nên khả năng cạnh tranh của VLXD Việt Nam còn chưa cao. Ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) - cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát huy tiềm năng xuất khẩu VLXD, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc trong khâu thủ tục. Có thể thấy cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước cho xuất khẩu VLXD còn hạn chế do nguồn lực tài chính có hạn, các DN chưa mạnh dạn tìm kiếm thị trường xuất khẩu, chưa có khả năng đầu tư đúng mức cho công tác xúc tiến thương mại.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, chia sẻ, tìm cơ hội xuất khẩu VLXD là điều các DN nên quan tâm, bởi phần nào giúp giải quyết khó khăn hiện nay. Ông Cung khẳng định, việc xuất khẩu có thể lãi không nhiều nhưng nó giúp giải quyết bài toán thị trường. Cũng từ xuất khẩu sẽ giúp DN trong nước lớn lên, đòi hỏi họ sản xuất phải quy củ và bài bản hơn.
Trong các thị trường xuất khẩu thì Trung Đông được xem là một thị trường tiềm năng hơn cả. Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, các nước Trung Đông đều có nhu cầu rất lớn với VLXD Việt Nam. Các DN Việt Nam cần tích cực hơn trong triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường, cũng như đáp ứng đúng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ môi trường nhằm xuất khẩu VLXD vào thị trường tiềm năng này.
Ông Lê Văn Tới cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn tiếp theo, các DN ngành VLXD cần chủ động tái cấu trúc để hình thành các tổ hợp sản xuất - kinh doanh VLXD có đủ sức mạnh tài chính, sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện hòa nhập vào thị trường quốc tế. Có như vậy, việc xuất khẩu VLXD mới được thuận lợi và đem lại ích lợi lớn cho nền kinh tế đất nước.