Theo dự báo, thị trường xuất khẩu xi măng sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt |
Hiện tại, Bangladesh vẫn là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 1/2016, tổng sản lượng xuất khẩu xi măng đạt gần 500.000 tấn, tương đương trị giá khoảng 15,12 triệu USD, chiếm 34,4% tổng sản lượng xi măng xuất khẩu.
Trong năm 2015, clinker và xi măng của Việt Nam xuất khẩu đạt 15,85 triệu tấn, giá trịxuất khẩu xi măng thu về 667,92 triệu USD, tức 26,8% về trị giá và giảm 24,9% về lượng so với cùng kỳ năm 2014.
Trên thế giới hiện có khoảng 145 nước nhập khẩu xi măng, 104 nước xuất khẩu xi măng, nguồn cung xi măng lớn từ các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc,… tăng mạnh khiến việc cạnh tranh xuất khẩu xi măng diễn ra ngày càng gay gắt. Ấn Độ và Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu xi măng, sự gia tăng cạnh tranh cả về khối lượng và giá khiến sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam trong năm 2015 giảm sút đáng kể.
Số liệu xuất khẩu xi măng và clinker tháng 1/2016 |
Bộ Xây dựng dự báo, tình hình tiêu thụ xi măng trong năm 2016 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác xuất khẩu. Để giảm bớt áp lực cạnh tranh, các dự án xi măng đã được giãn hoãn và điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch. Theo dự kiến, năm nay không có thêm dây chuyền xi măng nào đưa vào hoạt động.
Lượng tồn kho xi măng trên cả nước hiện khoảng 2,95 triệu tấn, tương đương khoảng 15 - 16 ngày sản xuất, trong đó chủ yếu là clinker. Dưới áp lực của xuất khẩu, tiêu thụ trong nước chắc chắn bị ảnh hưởng. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước.
Được biết, Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy các chương trình sử dụng xi măng như làm đường bê tông xi măng, vật liệu xây không nung… để gia tăng sức tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước, nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành xi măng.