Một là : Việc triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) vẫn còn chậm. Đến nay, việc bán nhà cho người nước ngoài hiện vẫn chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn, khiến hầu hết các giao dịch cho nhóm khách hàng này chỉ dừng lại ở khâu đặt cọc, chưa thể ký hợp đồng mua bán. Trong khi đó, việc tư vấn pháp lý cho nhóm khách hàng này cũng phải chờ đợi thêm.
Hai là : Thủ tục hành chính vẫn còn nhiều khâu rườm rà, mất nhiều thời gian. Dù đã áp dụng quy trình thụ lý hồ sơ dù một cửa nhưng thủ tục vẫn rườm rà, có giấy "mẹ" thì bị yêu cầu xuất trình thêm các giấy “con”. Theo thống kê của các chuyên gia cho thấy, tại Mỹ, thời gian thực sự người mua nhà phải bỏ ra để lo thủ tục, ký giấy tờ chỉ khoảng 5, 6 tiếng đồng hồ. Trong khi đó tại Việt Nam, kiều bào và người nước ngoài phải mất rất nhiều thời gian, tính bằng tuần, thậm chí hàng tháng.
Ba là : Việt Nam hiện vẫn đang phổ biến tình trạng mỗi địa phương vận dụng luật và văn bản dưới luật (các Thông tư, Nghị định) theo một kiểu khác nhau, không có sự nhất quán. Điều này khiến cho người nước ngoài cũng như kiều bào từ xa về cảm thấy hoang mang, khó hiểu.
Bốn là : So với nhiều nước trong khu vực, các chỉ số cạnh tranh, khả năng tăng giá, sinh lời, thanh khoản trên thị trường thứ cấp, hậu mãi... của bất động sản Việt Nam vẫn còn thua kém. Thậm chí, dù giá nhà tại Việt Nam hiện rẻ hơn các nước nhưng hiệu quả khai thác (giá thuê, thời gian hoàn vốn) lại không cao cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc, so sánh với các thị trường xung quanh.
Việc trước tiên mà các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp phải làm để hấp dẫn kiều bào và người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là nhanh chóng ban hành các thông tư hướng dẫn Luật Nhà ở. Ảnh: Lucas Nguyễn |
Năm là : Quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án bất động sản là người Việt ở nước ngoài và nhà đầu tư ngoại vẫn chưa rõ ràng, cụ thể, cơ quan quản lý cần phải có những cam kết mạnh hơn nữa để họ yên tâm.
Sáu là : Ngôn ngữ cho các quy định về mua bán nhà tại Việt Nam hiện vẫn chưa được quốc tế hóa. Nếu chuyển ngữ những quy trình này sang ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh sẽ có tác dụng hỗ trợ nhóm khách hàng người nước ngoài nhiều hơn. Hiện nay, đã có những doanh nghiệp chủ động soạn thảo hợp đồng tiếng Anh cùng với bản gốc bằng tiếng Việt. Đây là một cách làm hiệu quả để tăng thêm niềm tin của nhà đầu tư ngoại đối với thị trường bất động sản Việt Nam.
Bảy là : Phương thức thanh toán chưa linh hoạt. Hiện nay, người nước ngoài đã được chuyển tiền về Việt Nam để mua nhà, nhưng đến khâu chuyển tiền ngược lại sau khi bán nhà thì lại khá phức tạp.
Tám là : Người nước ngoài vẫn chưa được phép vay tiền mua nhà ở từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước. Bất động sản là loại tài sản có giá trị lớn, do đó không phải người nước ngoài hay kiều bào nào cũng có thể mua ngay bằng tiền mặt. Không hiếm trường hợp người Việt ở Mỹ, châu Âu và người nước ngoài cần vay thêm một khoản tiền khi mua nhà. Thế nhưng, các ngân hàng trong nước lại chưa có hướng dẫn cụ thể nào đối với tình huống này. Trong khi đó, nếu khách hàng muốn vay các ngân hàng nước ngoài thì lại phải xuất trình giấy chứng nhận sở hữu tài sản cho căn nhà đang mua, nhưng ở Việt Nam chưa có tiền lệ này.
Chín là: So với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, chất lượng cuộc sống tại Việt Nam vẫn còn khá thấp. Các đối tượng người nước ngoài mua nhà để dưỡng già, trú đông hoặc kiều bào hồi hương vốn đã quen thuộc với chất lượng sống cao ở các nước phát triển, nên để quyết định mua nhà sinh sống tại Việt Nam họ sẽ phải trăn trở, băn khoăn không nhỏ.
Mười là : Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa thực sự minh bạch. Hiện thị trường đang tồn tại quá nhiều hình thức môi giới: cò đất, cò nhà, cò ngân hàng, cò giấy phép..., nhưng lại thiếu các công ty và chuyên viên bất động sản có kinh nghiệm, có bằng cấp và giấy phép hành nghề. Điều này khiến chất lượng tư vấn bị hạn chế và khiến người nước ngoài, kiều bào chưa thực sự thoải mái.