Chi phí xây dựng
Tiền xây nhà cần được tính toán và quản lý kỹ để tránh rơi vào tình huống đang thi công, hoàn thiện thì thiếu tiền hoặc không đủ tiền để trang trí, mua sắm nội thất.
Kiến trúc sư Hồ Lê Phương (Tp.HCM) cho biết, chủ nhà nên căn cứ theo bản thiết kế chi tiết để dự trù kinh phí xây nhà. Thông thường, dự toán có thể sai số 5-10%. Để đề phòng chi phí phát sinh như giá vật liệu tăng, chủ nhà nên dự phòng thêm khoảng 10-20%. Chọn vật liệu tốt, đầu tư cho chất lượng ngay từ đầu sẽ hạn chế tình trạng "một lần sợ tốn, bốn lần không xong".
Những vật liệu rẻ, đẹp thường có độ bền và tuổi thọ thấp nên sẽ tốn nhiều tiền hơn về sau. Vị kiến trúc sư này khuyên gia chủ nên đặt chất lượng vật liệu lên đầu tiên.
Dù làm ngôi nhà lớn hay nhỏ, cầu kỳ hay đơn giản, chủ nhà cũng nên tham khảo đơn giá xây dựng tại địa phương để có thể chủ động về ngân sách.
Phong cách thiết kế
Vì mỗi thành viên trong gia đình thường có sở thích khác nhau nên việc xác định phong cách thiết kế tốn khá nhiều thời gian. Chủ nhà nên dành ít nhất 2 tháng để trao đổi với kiến trúc sư, đưa ra phương án thiết kế. Kiến trúc sư sẽ đưa ra phương án phù hợp nhất dựa trên bối cảnh công trình, đặc điểm kỹ thuật, môi trường xung quanh...
Chọn vật liệu xây dựng tốt sẽ đảm bảo chất lượng, độ bền của ngôi nhà
Dù được thiết kế theo phong cách tối giản, hiện đại, đương đại, cổ điển, công nghiệp hay vintage... thì ngôi nhà cũng cần đảm bảo được sự hài hòa.
CEO Cát Mộc Group, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cho biết, việc thiết kế cần đảm bảo ngôi nhà tận dụng được tối đa ánh sáng, tạo cảm giác rộng rãi hơn, đồng thời giúp tiết kiệm năng lượng. Khi chọn vật liệu xây dựng, chủ nhà nên lưu ý rằng màu sắc, kiểu dáng của chúng có thể thể hiện nhiều phong cách khác nhau. Chẳng hạn, vật liệu màu đen trắng thích hợp với phong cách tối giản, hiện đại, trong khi màu gỗ lại phù hợp với phong cách cổ điển, Á Đông.
Vật liệu xây dựng
Vật liệu xây dựng cần đáp ứng tiêu chí an toàn cho sức khỏe. Điều này càng quan trọng khi trong nhà có trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Tại những khu vực thường tiếp xúc trực tiếp như tường, sàn nhà... chủ nhà nên xem xét kỹ thành phần của vật liệu, xem chúng có chứa hóa chất độc hại hay không.
Độ an toàn của vật liệu được đánh giá dựa trên độ bền, mức độ xuống cấp theo thời gian. Những vật liệu thay thế gỗ có thể vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa khắc phục được nhược điểm bị mối mọt...
Một tiêu chí khác khi chọn vật liệu chính là sự linh hoạt, tiện nghi. Không gian sống sẽ thoải mái và tươi mới hơn nhờ cách bố trí khoa học, sử dụng những vật liệu dễ tháo lắp hay ứng dụng công nghệ mới.