Nhận định về nguy cơ này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có công văn số 79/2019/CV- HoREA gửi UBND TP.HCM về các nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số của thành phố.
Theo Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở, trong đó có khoảng
300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội... Ảnh: TBKTSG
Vẫn còn nửa triệu hộ chưa có nhà ở
Theo HoREA, TP.HCM có gần 9 triệu người thường trú, so với năm 2009 thì dân số thành phố đã tăng 1,8 triệu người, trung bình tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây. Kết quả điều tra dân số không bao gồm người tạm trú ngắn hạn và vãng lai. Hàng năm thành phố có thêm khoảng 60.000 trẻ sơ sinh và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới. Tổng số sinh viên, cao đẳng trên địa bàn có hơn 500.000 người. Theo thống kê chưa đầy đủ, TP.HCM có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2016 của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có hơn 1,6 triệu căn nhà với diện tích sàn xây dựng 150,55 triệu m2. Diện tích nhà ở bình quân năm 2009 là 13,6m2/người, đến năm 2018 đạt 19,75m2/người, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân cả nước là 25m2/người.
Theo khảo sát của Sở Xây dựng, thành phố có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm 3,46% tổng số hộ). Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư.
Một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, cho thấy có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát thì có 65-94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.
Sức ép của dân số lên nhà ở có thể tăng lên trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng và xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuyển dịch cơ sở sản xuất công nghiệp vào Việt Nam. Do đó HoREA dự báo số lượng người nước ngoài lưu trú dài hạn sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Phát triển mô hình nhà ở nào cho phù hợp?
Để đáp ứng tình trạng gia tăng dân số nhanh, HoREA kiến nghị nhiều mô hình phát triển nhà ở, trong đó có mô hình phát triển các điểm dân cư nông thôn.
Cụ thể, phát triển các điểm dân cư nông thôn theo hướng đô thị hóa nông thôn, trên cơ sở xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện và tạo ra môi trường sống xanh, trong lành.
Các khu vực được đề xuất là Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ. Trong đó Củ Chi có lợi thế nhờ khu di tích địa đạo và có nhiều khu công nghiệp. Huyện Hóc Môn cũng có lợi thế tương tự.
Theo HoREA, riêng huyện Cần Giờ cũng có lợi thế phát triển đầy tiềm năng nhờ có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Rừng Sác; di tích lịch sử Đoàn 10 Rừng Sác; khu đô thị lấn biển, cầu Cần Giờ; huyện Nhà Bè có lợi thế nhờ tiếp giáp Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và có Khu đô thị - cảng biển Hiệp Phước; huyện Bình Chánh có lợi thế về đầu mối kết nối giao thông, chợ đầu mối, bệnh viện tuyến cuối, có dân số lên đến 705.508 người, cao hơn nhiều quận nội thành, đã có nhiều xã có tốc độ đô thị hóa rất cao như Bình Hưng, Phong Phú, Tân Túc, Bình Chánh.
HoREA cũng đề cập đến mô hình phát triển các dự án khu dân cư quy mô lớn tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh TP.HCM. Điển hình như tỉnh Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, xa hơn là Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang.
Nhiều khu vực giáp ranh hoặc gần TP.HCM như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An); Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương); Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai); Phú Mỹ, Tân Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thực sự tạo thành các đô thị vệ tinh của thành phố, góp phần cơ cấu lại sản xuất và dân cư trong toàn vùng.
Việt Dũng
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)