Theo ông Doanh, nếu chỉ chọn 3 lĩnh vực then chốt hiện tại để tái cơ cấu là khu vực tài chính, ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì khó đạt mục tiêu đề ra. Cần tái cơ cấu thêm 2 lĩnh vực quan trọng khác nữa là lĩnh vực bất động sản và ngân sách nhà nước để bổ trợ tốt cho 3 lĩnh vực tái cơ cấu hiện tại.
Cũng theo ông Doanh, sẽ “đụng” đến rất nhiều đến các lĩnh vực ngân sách nhà nước và bất động sản trong quá trình triển khai tái cơ cấu 3 lĩnh vực hiện tại. Cần bổ sung tái cơ cấu hai lĩnh vực trên thì việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực hiện tại mới tránh được nhiều khó khăn, bế tắc.
Tái cơ cấu thị trường BĐS vẫn là một bài toán khó
Ông Doanh đưa ra một dẫn chứng cụ thể về thị trường BĐS: Theo đánh giá của Công ty Nomura, tổng giá trị thị trườngBĐS lên đến 21 tỷ USD (4,4 triệu tỷ VNĐ), nhưng lại bị chôn một số vốn tín dụng khổng lồ với rất nhiều yếu tố tiêu cực mà phải cần đến khoảng 7 năm để giải quyết như lừa đảo, chiếm dụng vốn, tỷ lệ đút lót, lại quả rất cao...
Ông Doanh lo lắng là, trong khi thực trạng này có liên quan mật thiết đến nợ xấu và hoạt động ngân hàng thì hiện vẫn không có đề án tái cơ cấu lĩnh vực này một cách toàn diện và có hệ thống mà chỉ có gói hỗ trợ BĐS 30.000 tỷ đồng. Nhưng tốc độ giải ngân của gói này lại rất chậm và chỉ có tác động rất nhỏ đến việc giải tỏa lượng BĐS đang tồn đọng lâu nay trên thị trường.
Trong những đề án khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai các vấn đề khác của thị trường bất động sản được đề cập một cách riêng lẻ trong khi công luận đã phát hiện những chồng chéo, vướng mắc giữa các luật trên. Kết quả là bong bóng bất động sản tiếp tục tác động đến cục máu đông nợ xấu, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.
“Sẽ vẫn tiếp diễn tình trạng đầu cơ, tăng giá vô tội vạ, thậm chí lừa đảo nếu không tái cơ cấu lĩnh vực bất động sản, mà chỉ triển khai các gói hỗ trợ như hiện tại”, ông Doanh nói.
Ông Doanh cũng cảnh báo về lĩnh vực thu – chi ngân sách nhà nước: Nợ công tăng nhanh, thu ngân sách không đủ để trang trải chi thường xuyên, hiện tình trạng bội chi vượt xa dự toán, phải vay mới để trả nợ cũ.
Theo ông, đây chính là “những đòi hỏi bức bách phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước, kiểm soát chi ngân sách có hiệu quả, khắc phục tình trạng chi tiêu ngân sách lãng phí”. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không được thể hiện trong một đề án tái cơ cấu ngân sách mà chỉ được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách với những tác động rất hạn chế trong thực tế.
Do đó, ông Doanh đề nghị Quốc hội cần thực hiện quyền giám sát thu, chi ngân sách nhà nước có hiệu lực hơn và ban hành một kế hoạch tái cơ cấu và cải cách hệ thống ngân sách nhà nước.