Rong rêu thủy sinh, gỗ lũa, đá cuội và tất nhiên cả những chú cá đủ loại, đủ màu kết hợp lại đã tạo nên một bức tranh nước sinh động giúp không gian phòng khách sang trọng và thư thái, góc phòng ăn thêm sinh động. Nó cũng là một món đồ giải trí biết nịnh trẻ nhỏ, đem lại sự thư giãn cho người lớn và tăng thêm sự hưng phấn, yêu đời cho người có tuổi.
Người ta chơi bể cá không chỉ vì niềm tin nó điều hòa và hướng sinh khí vào không gian sống, đem lại nhiều may mắn cho chủ nhà mà còn bởi trong cái thời đại nhiều quay cuồng, tấp nập, con người cần tìm lại cho mình những phút giây thăng bằng, thoải mái. Mà cái thú ngắm đàn cá lượn lờ chậm rãi, ngắm rong rêu nhẹ nhàng đu đưa trong làn nước, nhìn bọt nước sủi tăm làm cho cuộc sống chậm lại theo đúng nghĩa "tận hưởng".
Hơn một năm nay trên thị trường sinh vật cảnh, bể cá treo tường siêu mỏng đang là mốt. Với những người chơi bể cá, đó là một phát kiến quá hay để họ có thể tiết kiệm không gian tối đa và giữ nguyên thú chơi tao nhã của mình. Còn với các kiến trúc sư, đây là phương án lý tưởng để decor cho mọi căn phòng, để xử lý các góc chết trong ngôi nhà và cũng là cách điều hòa âm dương theo luật phong thủy.
Trong những không gian đô thị chật hẹp, đôi khi bức tường ngăn phòng trở thành một nỗi bức bí. Khi đó, bể cá lại là bức tưởng kính với nhiều "hoa văn" sinh động. Bể ngăn phòng hiện có rất nhiều loại, loại đơn giản như một chiếc tủ lùn, loại được uốn cong như thể quầy bar rất ấn tượng. Còn bể cá treo tường với nhiều kích cỡ, hình dạng thì lại như những bức tranh thủy sinh sống động. Ngắm nó, người ta có cảm giác mình đang đi tàu ngầm dưới đáy biển, chiêm ngưỡng san hô và thế giới thủy cung qua những ô cửa kính trong veo.
Giới kiến trúc nội thất và cả những người chơi cá đang say mê một loại bể cá nữa, đó là bể cá âm tưởng. Cũng như bể cá treo tường, loại gắn âm tường đang rất được ưa chuộng bởi nó tiết kiệm diện tích và rất sang trọng, lịch sự.
Bên cạnh những loại siêu mỏng gắn tường đó, nhiều người vẫn thích tận dụng cái bàn nước để đưa thiên đường thủy sinh vào nhà mình. Cái bàn uống nước của bạn thực ra là một cái bể cá được làm hoàn toàn bằng kính, mặt bàn bên trên vẫn thực hiện đúng chức năng của nó là để cốc chén, còn bên dưới, cá cứ thủng thẳng bơi lội trong thiên đường lộng lẫy của chúng.
Việc thiết kế một cái bể cá "đồng bộ" với các đồ nội thất khác trong phòng cũng không phải là quá khó. Với bể có chân, bạn hoàn toàn có thể chọn chất liệu chân bể là gỗ, sắt, inox hay xây gạch rồi ốp đá, ốp gỗ hay sơn màu. Với bể treo hoặc gắn âm tường, vật liệu khung ốp có thể là gỗ hay kính nhiều màu tùy theo tường nhà. Chơi bể cá không dễ, cũng chẳng phải là ít tốn kém, nhưng nó cũng là cái thú để người bận rộn tìm chút thư thái, người rảnh rang có thêm niềm vui sống.