Khéo đưa tiểu cảnh vào những góc nhỏ trong nhà đem lại cảm giác bình tâm cho người sống trong căn hộ. |
Việc di chuyển từ tầng thấp lên tầng cao bằng thang máy cũng là bước chuyển đột ngột, dễ gây nên sự mất cân bằng về nhịp sinh học. Hệ thống máy lạnh, thiết bị điện và điện tử… bên cạnh tính tiện nghi cao cũng phần nào tách con người ra khỏi thiên nhiên, dễ sinh bệnh tật và tâm lý không thoải mái, nhất là với người cao tuổi.
Xu hướng chung của thiết kế các cao ốc hiện đại là tìm kiếm giải pháp để đảm bảo duy trì và cân bằng nhịp sinh học cho người cư ngụ trước tác động của khí hậu và đặc thù kiến trúc cao tầng. Các giải pháp cơ bản tập trung vào hai vấn đề chính, đó là chọn lựa chung cư có bố trí cảnh quan chung quanh hài hoà thiên nhiên, và đưa thiên nhiên vào từng căn hộ trong điều kiện có thể.
Trên thực tế các cao ốc có môi trường cảnh quan được tổ chức tốt sẽ luôn có giá hơn. |
Chọn lựa phần “chung”
Vì mua căn hộ là “mua” cả môi trường – tiện ích – cộng đồng chung quanh, nên cần quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố này bên cạnh thông số kỹ thuật thường thấy, vì đó là các dữ liệu gia chủ khó lòng biến đổi được. Yếu tố phong thuỷ mà cha ông ta hay nói “nhất cận thị – nhị cận lân” đến nay vẫn nguyên giá trị để làm tiêu chuẩn chọn lựa vị trí chung cư gần nơi mua sắm tiện ích (thị) cho các nhu cầu sinh hoạt cơ bản, và có láng giềng thân thiện (lân). Đó cũng là những điều kiện giao tiếp xã hội mà nếu không có đủ thì chắc chắn sẽ tách cư dân ra khỏi môi trường sống, khiến họ luôn cảm thấy mình chỉ là “ăn nhờ ở đậu”, khó có thể an cư lâu dài. Các khu chung cư có không gian sinh hoạt cộng đồng, sân đi dạo, sân bãi thể thao… luôn được thêm điểm cộng khi chọn lựa.
Mọi nơi để sống luôn cần những khoảng trống tiện ích, nên một không gian bao quanh, không gian hít thở, không gian nhìn ngắm… phải song hành với các tiêu chuẩn về diện tích và cấp độ phục vụ. Từ xưa phong thuỷ đã nêu tầm quan trọng của Minh Đường – khoảng trống trước nhà có ánh sáng nắng gió – hay Thanh Long, Bạch Hổ (các bên trái phải của ngôi nhà). Hiện nay cũng vậy, cần tránh mua chung cư theo kiểu chui vào cái hộp bít bùng hoặc mở ra gặp toàn gió lùa, nắng gắt thì rất bất lợi về sức khoẻ. Một số chung cư tuy có nằm gần khuôn viên cây xanh nhưng lại không tiện tiếp cận do khoảng cách đi lại từ khối nhà đến công viên bị xa, hoặc khu vực cây xanh không có thêm tiện ích hỗ trợ như chỗ đi dạo, tập thể dục, hồ bơi… thì cũng không đảm bảo tiện ích sử dụng.
Tổ chúc mảng xanh, tiểu cảnh trên bancông căn hộca62n lưu ý yếu tố an toàn, đơn giản và có tính toán hợp lý về mặt kỷ thuật |
Đưa thiên nhiên vào phần “cư ”
Trong những điều kiện không đủ tiện ích khoảng xanh cho phần chung thì mỗi căn hộ nên cố gắng đưa thêm thiên nhiên vào phần riêng của mình. Cần tạo các cảm giác gần gũi môi trường tự nhiên thông qua cách tổ chức tiểu cảnh, tạo âm thanh và màu sắc tự nhiên của vật liệu ốp lát, bổ sung thêm tiếng nước chảy, chim hót,... tại các lớp không gian đệm, không gian nửa trong nửa ngoài của căn hộ như hành lang, bancông.
Nếu có khả năng chọn lựa và kinh phí cho phép thì rất nên tăng tỷ lệ dùng vật liệu tự nhiên hoặc gần với tự nhiên (gỗ, đá, gạch trần…) cho một số không gian phục vụ mục đích thư giãn nghỉ ngơi, phòng sinh hoạt chung, bancông, thậm chí cả trong phòng tắm. Cố gắng giảm ngăn chia kín bằng các bức tường cố định, mà nên tạo thêm khoảng hở liên thông giữa các không gian chức năng, tăng cảm giác gần thiên nhiên, tăng góc quan sát cho nội thất thông qua cách dùng tủ kệ hở, vách kính hoặc vách trượt.
Chọn lựa màu sắc phù hợp với không gian chức năng cũng là một “liệu pháp” bình ổn tâm lý hiệu quả. Các màu sắc theo gam lạnh hợp hơn với các không gian nghỉ ngơi, thư giãn, phục hồi sức khoẻ. Còn các gam màu nóng sử dụng trong các không gian hoạt động làm việc hoặc chỗ sinh hoạt vui vẻ. Tuy nhiên, căn hộ chung cư với chiều cao phòng bị khống chế, không có các khoảng thông tầng hay biến đổi không gian theo chiều cao như nhà phố, biệt thự, vì thế không nên dùng quá nhiều mảng màu tương phản đột ngột sẽ dễ gây cảm giác ngột ngạt bức bí.
(Theo SGTT)