Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 2 dự án xi măng mới được ngân hàng thương mại nhận tài trợ vốn để triển khai đầu tư. Được biết, tổng vốn cam kết tài trợ ngót nghét 10.000 tỷ đồng.
Đầu tiên là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua quyết định rót nguồn vốn “khủng” lên đến 6.300 tỷ đồng vào Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam 1 (tức Xi măng Đô Lương cũ). Chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn Xi măng The Vissai.
Nhà máy xi măng Sông Lam 1 khởi công vào ngày 4/2/2015 và hiện đang trong giai đoạn xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành sau khoảng 18 tháng thi công. Bộ Xây dựng cho biết, đây là dự án có công suất lớn nhất đang được xây dựng tính đến thời điểm hiện tại, công suất ước đạt 18.000 tấn clinker/ngày (tức khoảng 7,2 triệu tấn xi măng mỗi năm).
Tổng vốn đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Sông Lam lên tới 10.500 tỷ đồng, trong giai đoạn 1 của Dự án (công suất dự kiến 4 triệu tấn/năm) sẽ có 2 dây chuyền được xây dựng cùng lúc.
Nhiều dự án xi măng tiếp tục được ngân hàng cam kết hỗ trợ vốn để đầu tư. Ảnh: thuonghieuximang |
Ngay sau đó, một dự án khác là Xi măng Long Sơn tại các địa bàn là Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa cũng nhận được tài trợ vốn trị giá 3.100 tỷ đồng của VietinBank (CN Tam Điệp). Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Long Sơn.
Dự án Xi măng Long Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 3.960 tỷ đồng với công suất thiết kế đạt 6.000 tấn clinker/ngày (tức khoảng 2,3 triệu tấn xi măng mỗi năm). Riêng VietinBank đã đồng ý đảm bảo nguồn vốn chiếm gần 80%. Như vậy chủ dự án chỉ phải lo khoảng 20% vốn để triển khai dự án. Dự kiến, đến quý I/2017, Dự án này sẽ hoàn thành xây dựng và chính thức đưa vào hoạt động sản xuất.
Theo ông Lê Văn Hinh, Giám đốc VietinBank CN Tam Điệp, tại Vietinbank CN Tam Điệp thì hợp đồng tài trợ vốn cho Dự án Xi măng Long Sơn chính là hợp đồng tín dụng có giá trị lớn nhất từ trước tới nay. Ông Hinh cũng cho biết: “Quyết định tài trợ lên tới 80% tổng nhu cầu vốn cho dự án này đã được chúng tôi xem xét rất kỹ lưỡng, bên cạnh xem xét cơ sở việc đầu tư dự án là cần thiết, phù hợp với mục tiêu phát triển hoạt động sản xuất- kinh doanh của ngành, địa phương, chúng tôi cũng hướng tới mục tiêu giúp nhà máy nhanh chóng xây dựng và đi vào sản xuất, đưa sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý tiêu thụ tại thị trường nội địa và một phần dành cho cho xuất khẩu”.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)- ông Lê Văn Tới cho rằng, trong khoảng 5 năm tới, việc triển khai đầu tư một số dự án xi măng có công suất lớn, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trên thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, tình hình sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn vay từ ngân hàng với những chủ dự án có đủ năng lực và kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh xi măng cũng như có thị trường tiêu thụ ổn định.
Đơn cử như trường hợp của The Vissai. Đơn vị này nhận được nguồn vốn tài trợ rất lớn của BIDV bởi Vissai là một khách hàng lớn, thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ vốn cũng như lãi vay đối với các khoản vay đầu tư xi măng rất đúng hẹn.
Ngoài 2 dự án xi măng kể trên, một dự án khác cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư là Dự án Xi măng Thành Thắng. Được biết, dự án này có công suất thiết kế khoảng 2,3 triệu tấn xi măng/năm, dự kiến vận hành vào năm 2018. Dự án này do Công ty CP Đầu tư Thành Thắng (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án cũng vào khoảng 4.500 tỷ đồng, chủ đầu tư đang triển khai làm việc với các đơn vị tín dụng để cân đối nguồn vốn làm dự án.
Nhìn vào việc tài trợ vốn của các ngân hàng vào nhiều dự án xi măng thời gian qua, có thể thấy, dù có nhiều dự án nhận được tài trợ nhưng các ngân hàng cũng tỏ ra rất thận trọng trong việc xem xét đối tác. Việc tài trợ phần lớn đều dành cho các đối tác khách hàng lâu năm, khả năng tài chính cũng như nền tảng hoạt động tốt.