Đặc điểm của cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ còn được gọi là cây lưỡi cọp, lưỡi hùm, hổ vĩ mép vàng, tên khoa học là Sansevieria trifasciata. Cây lưỡi hổ thuộc họ măng tây, thân dạng dẹt, mọng nước, mọc thành bụi, chiều cao trung bình khoảng 50-60cm nhưng cũng có thể cao đến 1,6m. Thoạt nhìn, thân cây có vẻ sắc nhọn, nguy hiểm, tuy nhiên lại rất mềm và không làm đứt tay khi chạm vào. Trên thân cây chủ yếu có màu xanh pha đốm trắng, hai bên lá có viền màu vàng chạy dọc từ gốc đến ngọn. Lưỡi hổ mọc hoa từ phần gốc lên, nở thành từng cụm màu trắng nhạt và có quả hình tròn.
Cây lưỡi hổ để trong phòng ngủ có tốt không?
Phòng ngủ vốn cần yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng khí thì mới mang lại giấc ngủ ngon và trọn vẹn. Trong khi đó, phần lớn các loại cây trồng sẽ hấp thụ khí oxy và thải ra khí cacbonic cùng hơi nước vào ban đêm, điều này khiến chúng ta dễ bị thiếu oxy khi ngủ trong một căn phòng đóng kín có cây xanh, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì lý do này mà nhiều người không dám đặt cây xanh trong phòng ngủ để tránh ngạt khí. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những loại cây nhả khí oxy và hút khí cacbonic, thanh lọc không khí vào ban đêm như cây lưỡi hổ, cây nha đam, cây lan ý, cây thường xuân, cây cau cảnh...
Cây lưỡi hổ để trong phòng ngủ có tốt không?
Cây lưỡi hổ là với chu trình hô hấp trái ngược giúp làm tăng dưỡng khí, làm không khí thêm trong lành, rất có lợi cho giấc ngủ nên thường được lựa chọn để đặt trong phòng ngủ. Điều này có được là nhờ CAM - Crassulacean Acid Metabolism, một cơ chế quang học đặc biệt chỉ có ở một số loài thực vật. Cơ chế này cho phép cây mở các lỗ khí vào ban đêm nhằm ngăn ngừa tình trạng mất nước và phải có CO2 thì cây mới thực hiện được. Trong quá trình diễn ra CAM, cây sẽ giải phóng oxy cùng hơi ẩm ra ngoài không khí, đồng thời tiêu diệt các chất gây dị ứng.
Theo một nghiên cứu của NASA, cây lưỡi hổ còn có khả năng hấp thụ các loại khí độc trong không khí gây hại cho cơ thể người như formaldehyde, nitrogen oxide, xylene, toluene... Với những đặc điểm này thì lưỡi hổ là cây lý tưởng để đặt trong phòng ngủ. Nếu phòng ít lưu thông không khí thì nên đặt một chậu lưỡi hổ khoảng 6-8 lá.
Ngoài những lợi ích vượt trội kể trên, đặt một chậu lưỡi hổ ở vị trí thích hợp trong nhà cũng mang lại sự cải thiện cho không gian sống, nâng cao tinh thần và tăng hiệu quả làm việc. Ở châu Phi, cây lưỡi hổ được dùng để làm dược liệu, sản xuất sợi. Xét về mặt phong thủy, cây lưỡi hổ có năng lượng rất mạnh giúp bảo vệ gia chủ, chống lại khí xấu quanh nhà. Cũng vì cây có năng lượng mạnh mà chỉ nên đặt cây ở những vị trí ít người qua lại.
Trồng và chăm sóc cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ có sức sống mãnh liệt, phát triển tốt dù ở trong những môi trường khắc nghiệt, phù hợp với nhiều loại đất trồng. Ngoài ra, cây lưỡi hổ cũng có thể sống và sinh trưởng tốt khi được trồng thủy sinh. Do vậy, đây cũng là một trong những loài cây phù hợp với những người bận rộn hay những người mới bắt đầu trồng cây.
Nhân giống: Để nhân giống cây lưỡi hổ, có 2 phương pháp là tách bụi và giâm cành. Với phương pháp tách bụi, cần chờ cây đẻ ra nhánh mới là các cây con. Sau khoảng 2 tuần đến 1 tháng, khi cây con lớn thì bạn có thể tách chúng ra trồng thành một cây riêng lẻ.
Với phương pháp giâm cành, cần lựa chọn cây không sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Chọn một chiếc lá bánh tẻ to, khỏe và cắt ngang sát gốc. Cắt lá thành từng khúc dài khoảng 5cm và để những lát cắt này se mặt. Sau đó, chôn lá xuống đất, sâu khoảng ½ lá, đặt ở nơi có nắng để lá ra rễ. Thời điểm lý tưởng để giâm cây là từ mùa xuân đến cuối hè.
Đất trồng: Để cây phát triển tốt, nên chọn đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt. Nếu trồng trong nhà, bạn có thể trộn đất phù sa với mùn cưa, xơ dừa, xỉ than và phân hữu cơ.
Ánh sáng: Cây lưỡi hổ có thể sống tốt dưới ánh sáng trực tiếp và điều kiện ánh sáng yếu nên bạn hoàn toàn có thể đặt cây trong nhà, trong phòng ngủ.
Nước: Vốn có nguồn gốc từ xứ sở nhiệt đới nên lưỡi hổ chịu khô hạn rất tốt, thường không ưa tưới quá nhiều nước và không chịu được úng ngập. Bạn chỉ cần tưới cho cây 1 lần mỗi tuần vào mùa hè và 2 tuần 1 lần vào mùa đông. Bạn nên chờ đất ráo nước hoàn toàn rồi mới tưới và chỉ tưới phần đất xung quanh để không làm hư hại bộ rễ, tránh tưới thẳng vào toàn cây hoặc lá cây.
Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp để cây phát triển là từ 22-30 độ C. Nếu nhiệt độ thấp hơn 10 độ C, cây sẽ chậm phát triển, thậm chí chết dần. Vì thế, khi thấy cây bị vàng lá (do lạnh) thì nên chuyển cây vào khu vực ấm áp hơn.
Phân bón: Vào mùa đông, bạn nên bón thêm phân giàu potasse để cây phát triển khỏe, chống chịu được sâu bệnh và giá lạnh.
Các bệnh thường gặp: Cây có thể bị vàng lá do quá lạnh hay bị úng do được tưới nước quá nhiều. Ngoài ra, các loại côn trùng, nhện, sâu có thể tấn công, hút nhựa gây nên tình trạng đốm lá. Bạn có thể sử dụng cồn để lau sạch bề mặt lá giúp phòng ngừa sâu bệnh.
Khánh An (tổng hợp)
>> 6 loại cây có mùi thơm giúp nhà luôn ngát hương mà không cần tới nước xịt phòng