Ông Lê Hoàng Châu trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ về thị trường
bất động sản năm 2018. Ảnh: Xuân Hưng
- Dựa vào những tín hiệu tích cực nào để đánh giá thị trường bất động sản năm 2018 vẫn tiếp tục tăng trưởng, thưa ông?
Có thể thấy rõ rằng thị trường bất động sản năm nay được thừa hưởng đà tăng trưởng từ năm 2017. Đặc biệt, thị trường ngày càng nhận được sự quan tâm, đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư nước ngoài.
Tôi cho rằng nhiều khả năng thị trường bất động sản năm 2018 vẫn sẽ tăng trưởng tích cực theo đà thuận lợi đã có và vẫn giữ được ổn định. Phân khúc dẫn dắt thị trường trong năm nay rất có thể là loại căn hộ vừa túi tiền, có 1-2 phòng ngủ và có giá bán trên dưới 1 tỉ đồng/căn. Đây cũng sẽ là phân khúc có tính thanh khoản cao nhất thị trường.
Trong khi đó, bất động sản cao cấp dự báo sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để đáp ứng tốt sức mua của thị trường, phân khúc thị trường condotel, đất nền phân lô sẽ có một năm tăng trưởng nóng.
Thị trường BĐS năm 2018 vẫn sẽ tăng trưởng tích cực. Ảnh minh họa: Quang Định
- Theo ông, thị trường bất động sản năm nay sẽ có những tồn tại, rủi ro nào cần xử lý?
Dù lạc quan nhưng trong năm nay thị trường sẽ phải tiếp tục xử lý những tồn tại, rủi ro đã xuất hiện từ năm 2017. Tôi có thể chỉ ra một số tồn tại, rủi ro như sau:
Đầu tiên phải nhắc đến tình trạng "sốt giá ảo" đất nền phân lô trong những tháng đầu năm 2017 diễn ra tại một số quận ven và huyện ngoại thành Tp.HCM.
Thứ hai là thị trường đã có sự lệch pha cung - cầu khá rõ nét. Để tránh rủi ro này, HoREA từng khuyến nghị các doanh nghiệp nên chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sang loại căn hộ vừa túi tiền với giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn, quy mô vừa và nhỏ từ 1-2 phòng ngủ.
Rủi ro thứ ba liên quan đến tình hình phát triển của loại căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (tức condotel). Các chủ đầu tư thường cam kết mức lợi nhuận rất hấp dẫn, từ 8 - 12%/năm trong 8 - 12 năm nhưng thị trường lại không có biện pháp buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết. Đây chính là yếu tố tiềm ẩn rủi ro không chỉ với nhà đầu tư thứ cấp mà với cả thị trường bất động sản.
Thứ tư là sự gia tăng tình trạng tranh chấp ngày càng gay gắt trong các chung cư. Đây chính là một "điểm nóng" đòi hỏi phải xử lý để đảm bảo môi trường lành mạnh.
Thứ năm là lộ trình thực hiện siết tín dụng vào bất động sản theo thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một vấn đề rất lớn và có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản.
Từ những tồn tại, rủi ro nói trên, Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cần có những hành động cụ thể để thích nghi với lộ trình hạn chế tín dụng của ngân hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường sự liên kết hợp tác lẫn nhau và cần đặc biệt chú ý đến nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản.