Nhiều môi giới hoạt động ngoài kiểm soát
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) thống kê, cả nước hiện có khoảng 300.000 nhân viên môi giới bất động sản. Tuy nhiên, trong số đó đa phần là môi giới nghiệp dư, chỉ có khoảng 100.000 người thường xuyên hoạt động tại các sàn. Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định, môi giới phải qua khâu sát hạch và được cấp chứng chỉ. Nếu căn cứ theo quy định này, hiện nay chỉ có khoảng 20.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động môi giới chuyên nghiệp.
Lượng môi giới không qua đào tạo, hoạt động ngoài kiểm soát là tác nhân chính gây ra cơn sốt ảo trên thị trường địa ốc như cơn sốt đất tại Đông Anh (Hà Nội), Đà Nẵng, cơn sốt đất tại Tp.HCM từ cuối năm 2016 đến nửa đầu năm 2017...
Cơn sốt đất nền Sài Gòn chỉ tạm chấm dứt vào cuối quý III/2017 khi chính quyền thành phố đưa ra cảnh báo sẽ xử lý hình sự những "cò đất" có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá đất để trục lợi. Trong năm 2017, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã gửi các cơ quan chức năng gần 20 văn bản cảnh báo về các công ty, sàn giao dịch như Việt Hưng Phát, Kim Phát, Công ty CP Địa ốc Alibaba… Tại Hà Nội, VARS cũng nhiều lần báo cáo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về tình trạng nhiều sàn giao dịch tự phát tại Đông Anh, dọc tuyến Quốc lộ 32… thổi giá, cát cứ, phân lô bán nền tràn lan, gây méo mó thị trường.
Lãnh đạo VARS thường chia sẻ vui rằng, không chỉ "chiến" với những môi giới khác, môi giới hiện nay còn phải "chiến" với những "cò đất tay ngang" như chị bán trứng vịt lộn, anh bảo vệ, bà hàng nước, bác xe ôm. Thực tế này gây nên tình trạng "hỗn quân hỗn quan", hình thành cái nhìn không tích cực về giới môi giới trong mắt người tiêu dùng.
Hiện chỉ có khoảng 20.000/300.000 môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới chuyên nghiệp |
Ngay cả một số môi giới chuyên nghiệp vì áp lực chỉ tiêu, vì lòng tham cũng nghĩ ra đủ các chiêu trò để bán hàng, khiến khách hàng phải chịu không ít rủi ro. Chính những môi giới thiếu đạo đức đã làm giảm lòng tin của khách hàng, đồng thời làm giảm uy tín của các môi giới chân chính.
Thiết lập thêm chế tài răn đe
Trước thực trạng hoạt động bát nháo của những môi giới địa ốc hiện nay, nhiều chủ đầu tư cho rằng, hoạt động môi giới cần được quản lý nghiêm bởi ngành nghề này đã có những quy định khá đầy đủ tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật Hình sự sửa đổi có thêm quy định về xử lý hình sự với pháp nhân...
Cũng theo lãnh đạo HoREA, hoạt động hành nghề môi giới cần được thiết lập tiêu chuẩn mới để tăng sự kết nối giữa người tiêu dùng với chủ đầu tư. Điều này sẽ giúp giảm thiểu hoạt động kinh doanh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Tổng thư ký VARS, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, trách nhiệm của sàn giao dịch bất động sản và người môi giới khi để xảy ra hậu quả nên được đề cập trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 121/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Ông Đính nói: "Khi môi giới hoạt động không đúng quy định, không chỉ người môi giới đó, mà cả sàn giao dịch và người đứng đầu sàn giao dịch cũng nên bị xử lý. Đặc biệt, nếu chủ đầu tư giao dự án cho sàn giao dịch không có chức năng, gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị sung công quỹ toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động môi giới. Đồng thời, đình chỉ hoạt động đối với các bên liên quan trong thời gian tối đa 2 năm để khắc phục".
Cơ quan thuế cũng có thể xử lý khi phát hiện môi giới hoạt động mà không có chứng chỉ, ông Đính cho hay và nhận định: "Sở dĩ thời gian qua, cơ quan chức năng còn nới lỏng đối với các sàn giao dịch bất động sản bởi hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề môi giới mới diễn ra được hơn 1 năm, cần có thời gian cho các bên chuẩn bị và đáp ứng quy định. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được giảm thiểu trong năm 2018, khi Dự thảo Nghị định 121 sửa đổi được ban hành và có hiệu lực".