Anh Chiến (Đống Đa, Hà Nội) muốn mua một lô đất nền dự án tại quận Hoàng Mai. Sau khi tìm hiểu một tháng và liên hệ với môi giới một sàn bất động sản anh đã làm việc trước đó, anh được báo giá tiền chênh lô đất tăng hơn 200 triệu đồng. Theo đó, giá mỗi lô đất anh mua lên đến gần 1 tỷ đồng, tăng hơn nửa tỷ so với giá mở bán nửa năm trước. Giá giao dịch mỗi m2 đất vì thế cũng tăng khoảng 10 triệu đồng, lên mức 120-130 triệu đồng/m2.
Năm 2017, nhiều dự án biệt thự, liền kề, đất nền tại Hà Nội có mức giá chênh "khủng". Giá chênh một dự án nhà phố lên đến hơn 30 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần giá gốc trong hợp đồng. Tại quận Thanh Trì, Hoàng Mai, Tây Hồ, Nam Từ Liêm... hàng loạt dự án đất nền mới được mở bán cũng có giá chênh vài trăm triệu đến 2,5 tỷ đồng. Trong năm 2017, giá mỗi m2 tại một số dự án vùng ven đô thuộc Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm... cũng tăng 2-5 triệu đồng/m2.
Theo nghiên cứu của các đơn vị tư vấn, đất nền, biệt thự, liền kề trong năm 2017 có mức độ tăng giá khả quan. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, đa phần giá đất nền dự án tại các vùng đều tăng khoảng 10%: quận Cầu Giấy có giá trung bình khoảng 180-200 triệu đồng/m2; quận Từ Liêm, Tây Hồ khoảng 120-150 triệu đồng/m2; quận Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì khoảng 25-50 triệu đồng/m2; Gia Lâm, Long Biên khoảng 30-50 triệu đồng/m2; huyện Đông Anh trung bình 30 triệu đồng/m2.
Phân khúc đất nền, liền kề, biệt thự có thể xảy ra tình trạng sốt giá trong năm 2018. Ảnh: Anh Tú |
Trong khi đó, Savills Việt Nam nhận định, trong năm 2017, phân khúc biệt thự, liền kề hoạt động tốt với tổng nguồn cung hơn 40.400 căn, tăng hơn 15% so với năm 2016. Riêng trong quý IV/2017, tổng lượng giao dịch đã tăng 83% so với cùng kỳ và tăng 23% so với quý trước đó.
Mặc dù vậy, theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội, đất nền, biệt thự, liền kề trong năm 2017 có giá chênh bị đẩy lên cao và một số khu vực có dấu hiệu sốt ảo. Theo bà, nhà đầu tư sóng ngắn có thể thu được lãi lớn từ những dự án này nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhà đầu tư rất dễ phải cắt lỗ nếu đánh giá thị trường, sản phẩm chưa chính xác và mua với giá vượt ngưỡng.
Bà Hằng nhận định: "Chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là ở các khu vực nói là sốt thì trước đây vẫn còn lượng hàng không nhỏ còn đang nằm đó. Vì thế, thực chất không không phải thị trường khan hiếm mà vẫn còn nhiều nên hiện tượng sốt hàm chứa mức độ rủi ro không nhỏ".
Trong bối cảnh có nhiều dự án rục rịch ra hàng trong năm 2018, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam nhận định nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư tại một số khu vực vùng ven như Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Mê Linh... Ông Toản nói: "Những khu vực này tôi chưa thấy động lực tăng giá trong ngắn hạn. Với những nhà đầu tư dài hạn thì có thể cân nhắc".
Chung quan điểm, bà Hằng cũng cho rằng, tại khu vực vùng ven Hà Nội, một số dự án đất nền đang tịnh tiến đến mức giá cao. Tuy nhiên, tại một số khu vực, nhà đầu tư cần xem xét trong dài hạn khi tính toán lợi nhuận. "Chúng tôi nhận thấy tiềm năng một số khu vực xa. Tuy nhiên nguồn cung dễ rơi vào trạng thái sốt ảo", bà Hằng nói.
Cũng theo bà, một tình trạng thường xuyên xảy ra với thị trường đất nền là nhà đầu tư thường đổ xô vào khi nghe có quy hoạch. Nhưng trên thực tế, thời gian từ khi có quy hoạch đến khi khu vực đó bắt đầu phát triển và trở nên đông đúc là khá dài. "Mà một khi khu vực đó không phát triển được ngay thì dế dẫn đến tình trạng nhiều người nôn nóng, tư tưởng đám đông, dế dẫn đến tình trạng không kiểm soát được", bà Hằng nhận định.