Cơ hội tốt để xây nhà
Ý định xây nhà đã có từ mấy năm nay nhưng đến cuối tháng giêng vừa rồi, bà Đặng Thị Hoa ở Khoái Châu (Hưng Yên) mới chính thức khởi công xây nhà. Bà Hoa cho biết, nếu lựa chọn thời điểm xây nhà hợp lý thì có thể tiết kiệm được ít nhiều chi phí nhân công và nguyên vật liệu. “Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá nhân công là 850 nghìn đ/m2/sàn thì nay đã giảm xuống còn 800 nghìn. Các loại VLXD như xi măng, sắt thép đều đã giảm một đến hai giá so với trước Tết. Thêm nữa, do ít người xây nhà đầu năm nên việc tìm thợ cũng dễ dàng hơn, họ làm việc tập trung hơn nên tiến độ có thể đảm bảo”, bà Hoa chia sẻ.
Tuy nhiên, những người xây nhà đầu năm như bà Hoa không nhiều và không đủ để kéo thị trường VLXD trở nên sôi động hơn. Ông Đỗ Quý Ngọc - Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh Cty CP Viglacera Từ Liêm cho biết: “3 tháng đầu năm nay, tiêu thụ gạch ngói của Viglacera Từ Liêm đã giảm đi đáng kể so với những tháng trước Tết. Mục tiêu của chúng tôi là phấn đấu đạt khoảng 90% kế hoạch đề ra”. Lý do theo ông Ngọc là bởi thị trường tiêu thụ gạch ngói của Viglacera Từ Liêm nhiều nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc thì người dân lại thường xây nhà vào cuối năm. Còn ở miền xuôi, nếu khởi công xây nhà đầu năm thì phải gần giữa năm mới dùng đến ngói lợp. Các công trình xây dựng lớn, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hoặc các nguồn vốn khác thì hầu như chưa có dự án nào khởi công. Trong khi đó, Cty lại phải cạnh tranh khốc liệt với những cơ sở sản xuất gạch, ngói tư nhân - vốn có giá rẻ hơn, có thể hạ giá bất cứ lúc nào và khuyến mãi hấp dẫn hơn.
Cắt giảm sản xuất để tránh tồn kho
Đây là điều mà các DN sản xuất VLXD phải tính đến khi nhu cầu trên thị trường yếu. Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Thép Việt cho biết: Trong bối cảnh sức tiêu thụ yếu, hàng tồn chưa giải quyết được, nhiều nhà máy sản xuất thép buộc phải kéo giảm công suất xuống khoảng 60 - 70% để tránh tạo thêm áp lực lên nguồn cung ra thị trường.
Tương tự, nhiều Cty sản xuất gạch ngói các loại cũng cho biết, đang cố gắng duy trì công suất ở mức 80%. Dường như sự ảm đạm của thị trường BĐS, cộng với sự phát triển ồ ạt của các nhà máy sản xuất VLXD đã khiến thị trường trở nên bão hòa, thậm chí ế ẩm như hiện nay.
Đó là chưa kể đến nhiều nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp tham gia thị trường với các nhà máy quy mô, hiện đại đạt công suất và sản lượng vượt trội càng khiến cho nguồn VLXD trong nước dư cung, ứ hàng. Hầu hết các tập đoàn nước ngoài khi đưa dây chuyền, máy móc sản xuất vào Việt Nam chủ yếu đều xác định rõ đưa sản phẩm ra tiêu thụ tại thị trường nội địa là chủ yếu, sau đó mới xuất đi các nước trong khu vực. Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt này, phần lớn các DN phải tìm đến biện pháp tiết giảm công suất một cách tối đa còn hơn là sản xuất ra rồi để trong kho.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, trong tháng 2 vừa qua, tình hình sản xuất ngành Thép gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của việc nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài: Sản lượng sắt, thép thô ước đạt 125,9 nghìn tấn, bằng 80,1% so với tháng trước, bằng 95,0% so với cùng kỳ tháng 2/2013. Sản lượng thép cán, thép thanh, thép hình tháng 2 dao động khoảng từ 80 - 85% so với tháng 1. Nếu tính chung 2 tháng đầu năm sản lượng sắt, thép thô giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường VLXD đìu hiu nên giá VLXD cũng đang khá ổn định. Hiện giá nguyên liệu thế giới đang có xu hướng giảm, nguồn cung trong nước lớn hơn nhu cầu thị trường. Giá bán thực tế thép cây thông dụng phổ biến ở mức từ 12,40 - 13,67 triệu đ/tấn; thép cuộn từ 12,40 - 13,37 triệu đ/tấn, xi măng từ 1,02 - 1,35 triệu đ/tấn.
Các chuyên gia dự báo, tiêu thụ sẽ có chuyển biến tích cực khi thị trường BĐS có dấu hiệu tăng trưởng, các công trình xây dựng khởi công. Tuy nhiên, giá VLXD vẫn sẽ ổn định trong thời gian tới.