Khác với làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) thiên về lối sống nông nghiệp, làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) là một bảo tàng sống về làng nghề ven đô. Ngôi làng này sớm tiếp thu nền văn minh, tân tiến, thậm chí còn đổi mới hơn cả những thị dân chính hiệu.
Làng văn minh hơn… phố!
Cư dân của làng Cự Đà không chỉ sống sung túc bằng nghề làm tương, miến truyền thống mà người làng này học hành, đỗ đạt cao và có tài kinh doanh hiếm có.
Phong cách kiến trúc Việt cổ kết hợp phương Tây độc đáo ở làng Cự Đà |
Theo cụ Vũ Văn Thân (80 tuổi, Phó Ban Bảo vệ di tích làng Cự Đà), những tài liệu khảo cứu lịch sử và gia phả các dòng họ ở đây cho thấy làng Cự Đà đã hình thành từ 4 thế kỷ trước do các hoàng thân trong gia tộc chúa Trịnh khởi lập. Sau đó, các nhà tư sản tài ba như Cự Doanh, Cự Chân, Cự Phát… (chủ những xưởng dệt, nhà máy, tiệm buôn, hãng vận tải lớn của Hà Nội giai đoạn 1920-1940) đã thổi hồn văn minh vào ngôi làng này. Người dân tự hào về làng Cự Đà đến nỗi khi ra Hà Nội lập hiệu, tạo được uy tín, tất cả đều lấy tên làng ghép với tên mình. “Những nhà tư sản nổi tiếng của Hà Nội thời ấy mà có tên bắt đầu bằng chữ Cự là người ta biết ngay quê ở làng Cự Đà chúng tôi” - cụ Thân giải thích.
Những bậc cao niên của làng Cự Đà có thể kể vanh vách câu chuyện về những doanh nhân Cự Đà khiến ngay cả người Pháp một thời phải vị nể. Nhà tư sản Vũ Tư Đường (Cự Đường) trở thành một doanh nhân nổi tiếng trong ngành bất động sản sau khi vay tiền từ Hãng Tín dụng nhà đất Crédit Foncier de l’Indochine của Pháp và xây dựng một dãy nhà đến 20 căn ở phố Bờ Sông, ngay dưới chân cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay) để kinh doanh. Sau này, cụ Vũ Tư Đường mở thêm cả ngành kinh doanh vận tải cũng làm ăn phát đạt.
Theo cụ Vũ Văn Thân, chính cụ Cự Đường là người đã đưa ra ý tưởng đánh số các ngôi nhà trong làng cũng như đưa điện về Cự Đà từ những năm 1940. Hồi ấy, nhiều nơi ở Hà Nội và Hà Đông còn chưa có điện nhưng Cự Đà đã có đường điện 12 cột chạy quanh làng. Các cột điện này làm bằng hợp kim đúc từ gang do người Pháp sản xuất, vốn chỉ được dùng trong các tòa phủ sứ của người Pháp.
Giao thoa văn hóa Đông - Tây
Nếu như làng cổ Đường Lâm nổi tiếng nhờ kiến trúc nhà kiểu nông thôn “ba gian hai chái” bằng vật liệu đá ong của vùng cận trung du thì Cự Đà mang phong cách làng nghề ven đô, ven sông điển hình theo kiến trúc Pháp pha trộn với kiểu nhà Việt cổ truyền thống. Thời vàng son, làng Cự Đà từng có cả trăm ngôi nhà cổ. Thế nhưng, hiện nay chỉ còn lưu giữ được khoảng 50 ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm mang lối kiến trúc độc và lạ. Với thiết kế 2 tầng, có ban công, mang phong cách phương Tây nhưng nhiều ngôi nhà trong làng lại có mái hiên vút cong như mái đình. Ngoài hệ thống “nhà Tây” như cách gọi ở đây, người Cự Đà dù thành danh, giàu có vẫn giữ những ngôi nhà ba gian bằng gỗ lợp ngói ta, có sân lát gạch.
“Điều lạ lùng là phong cách Pháp cổ điển không hề đối lập với phong cách của những ngôi nhà truyền thống của cư dân nông nghiệp. Trái lại, nó tạo ra một kiểu kiến trúc không giống bất cứ ngôi làng nào trên đất nước Việt Nam” - cụ Vũ Văn Thân nhận xét.
Đi dọc các con đường từ đình làng tỏa về các thôn, xóm và ngõ của làng, người ta vẫn nhận ra được quy hoạch “xương cá” phổ biến. Trong làng vẫn giữ được một số con đường gạch lát nghiêng, nhiều con ngõ vẫn còn cổng. Những người cao tuổi ở Cự Đà kể lại trước đây, cứ đến 21 giờ, các cổng ngõ được khóa lại. Lúc này, các đội trường tuần thay phiên nhau trực để giữ trật tự, chống nạn trộm cắp.
Theo ông Trịnh Đình Sủng, chủ nhân ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi, làng Cự Đà còn lưu được nhiều dấu tích như cột cờ, đôi tượng cóc và một đàn tế nằm đối diện nhà Thọ. Tất cả đều làm bằng vật liệu đá xanh. Đình làng này từ hàng trăm năm trước đã có nhà Thọ, kiểu như một “hội đồng nhân dân” ngày nay.
Nỗi lo lạnh nhạt với vốn cổ
Những người sống lâu năm trong làng không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến ngôi làng ven sông Nhuệ này đang phải chống chọi với cơn lốc đô thị hóa suốt chục năm nay. Nhiều nhà cổ đã bị đập bỏ để xây nên những ngôi nhà cao tầng bằng bê-tông hiện đại.
Nhà giáo Trịnh Cơ, một trong những hậu duệ của dòng họ Trịnh khởi lập làng Cự Đà, cho biết: Cự Đà trước đây là đất học, đất phát. Nhiều người thành đạt, học hành giỏi giang hiếm có đã giúp Cự Đà trở thành ngôi làng địa linh nhân kiệt. Cho đến tận bây giờ, truyền thống hiếu học của con em làng Cự Đà vẫn cứ là một giá trị bất biến tồn tại dưới từng nếp nhà.
Trước đây, người Cự Đà học hành, đỗ đạt thành tài ở Hà Nội rồi mang tiền về xây dựng làng nhưng ý thức giữ gìn vốn cổ rất cao, còn giờ đây nỗi lo của những bậc cao niên là thỉnh thoảng lại có một ngôi nhà cổ bị phá bỏ. Thế nên, chính những người Cự Đà vài năm đi nước ngoài về cũng phải giật mình xót xa vì ngày càng không nhận ra ngôi làng cổ kính, trầm mặc của họ ngày nào.