1. LUC là đất gì?
Tại Việt Nam, đất được coi là nguồn tài nguyên quan trọng và do Nhà nước trực tiếp quản lý. Nhằm phục vụ công tác quy hoạch, khai thác mục đích sử dụng, đất được phân loại thành nhiều nhóm bằng các kí hiệu như LUC, LMU, LUN,… Mỗi kí hiệu này sẽ đại diện cho một nhóm đất riêng biệt để tiện theo dõi khi làm việc trên bản đồ địa chính.
Căn cứ theo Luật Đất đai sửa đổi năm 2013, ký hiệu đất LUC là loại đất chuyên dùng để canh tác lúa nước - loại cây lương thực thu hoạch theo mùa vụ để phục vụ nhu cầu của người dân .
Đất LUC là loại đất canh tác lúa nước
2. Mục đích sử dụng đất LUC là gì?
Theo Luật Đất đai, có thể thấy đất LUC được tính là nhóm đất nông nghiệp, được sử dụng để trồng lúa nước nhằm cung cấp nguồn lương thực cho đời sống, trồng trọt hoặc chăn nuôi ở các địa phương. Lúa nước canh tác trên loại đất này còn được dùng để xuất khẩu đi các nước và mang về nguồn thu ngoại tệ lớn.
Nhìn chung, đất LUC là tư liệu sản xuất quan trọng hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam.
3. Quy định sử dụng đất LUC là gì?
Tại Việt Nam, đất đai tuy thuộc sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước trực tiếp đứng ra quản lý. Vì lý do này nên Nhà nước đã ban hành một số quy định cụ thể nhằm đảm bảo việc sử dụng các loại đất chuyên dụng được tiến hành một cách khoa học, hiệu quả, thân thiện với môi trường và hệ sinh thái.
Các quy định liên quan đến trách nhiệm của chủ sở hữu đất LUC đã được ban hành. Muonnha.com.vn sẽ dẫn ra đây các nội dung chính như sau:
- Chủ đất cần sử dụng đất theo đúng mục đích đã đăng ký với Nhà nước; đảm bảo tôn trọng các kế hoạch quy hoạch đất đai của cơ quan có thẩm quyền địa phương.
- Chủ đất cần sử dụng đất hiệu quả, không được bỏ đất hoang hóa hoặc khai thác quá mức dẫn đến thoái hóa đất. Việc vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt hành chính theo đúng Luật Đất đai 2013.
- Chủ đất áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ cùng kế hoạch luân canh, tăng canh để tăng năng suất cho đất LUC.
- Chủ đất đảm bảo thực hiện tăng dinh dưỡng, cải tạo đất định kỳ nhưng đúng theo hướng dẫn, quy định của Nhà nước, không làm ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái khu vực.
- Chủ đất cần thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật.
- Chủ đất có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng của đất LUC nhưng cần thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng tại cơ quan có thẩm quyền địa phương. Khi có văn bản chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng do cơ quan địa chính cấp thì chủ đất mới được thay đổi biện pháp khai thác đất.
4. Có được xây nhà trên đất LUC không?
Hiện nay Nhà nước chỉ cho phép người dân là chủ đất xây nhà trên đất thổ cư. Như vậy đối với đất LUC là loại đất chuyên canh tác lúa nước thì chưa được phép xây nhà trực tiếp ngay trên đất mà cần thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng trước. Chủ đất cần chuyển mục đích sử dụng đất từ chuyên canh lúa nước thành thổ cư.
Vậy đất LUC có thể chuyển lên thổ cư được không?
Căn cứ theo Điều 57 Luật Đất đai 2013, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại các địa phương có thể cấp phép một số loại đất chuyển đổi mục đích sử dụng, trong đó có đất LUC. Ngoài ra, theo Điều 134, nước ta đang sử dụng các chính sách bảo vệ nguồn đất chuyên trồng lúa nước, đồng thời hạn chế các trường hợp xin chuyển đổi đất trồng lúa sang phục vụ các mục đích phi nông nghiệp.
Đất LUC có thể xây nhà nếu chủ đất thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo đúng quy định
Như vậy, việc chuyển đổi đất LUC lên thổ cư là có thể nhưng vẫn đang bị các địa phương đưa vào diện hạn chế. Để thực hiện chuyển đổi, các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương sẽ căn cứ theo Khoản 2, Điều 44 Luật Đất đai để Hội đồng thẩm định quy hoạch làm việc, kiểm tra, khảo sát thực địa và xem xét việc chuẩn y mong muốn chuyển đổi của chủ đất.
5. Điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ LUC lên thổ cư
Căn cứ theo các Điều 106 và 167 Luật Đất đai sửa đổi 2013, đất LUC muốn được chuyển đổi lên thổ cư cần đáp ứng được một số điều kiện dưới đây:
Điều kiện cần
Không phải loại đất nào cũng được phép chuyển đổi lên thổ cư hoặc được cơ quan có thẩm quyền chuẩn y mong muốn chuyển mục đích sử dụng. Muốn chuyển đổi được thì chủ đất cần lưu ý tìm hiểu xem mảnh đất của mình có đang thuộc diện quy hoạch lên thổ cư của địa phương hay không. Nếu mảnh đất thuộc phân khu đang được quy hoạch lên đất ở thì bạn có thể dễ dàng làm các thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tuy nhiên nếu mảnh đất không thuộc diện đang được địa phương quy hoạch thì đây sẽ là bất lợi lớn với chủ đất. Bạn có thể gặp rắc rối khi thực hiện thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng, thậm chí là phải đợi vài năm. Các nhà đầu tư đất có kinh nghiệm sẽ luôn kiểm tra kỹ xem liệu mảnh đất có đang thuộc diện quy hoạch thành đất ở hay không rồi mới quyết định mua đất để tránh thua lỗ hoặc bị “đóng băng” vốn trong thời gian dài.
Có nhiều khu vực đất LUC hiện nay đang được các địa phương quy hoạch thành đất ở
Điều kiện đủ
Sau khi đã kiểm tra và xác định mảnh đất đang trong diện quy hoạch thành đất ở của địa phương thì bạn nên chú ý đến một số điều kiện dưới đây:
- Mảnh đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định.
- Đất đang trong thời hạn sử dụng mà Nhà nước cho phép.
- Trong thời gian thực hiện chuyển đổi, mảnh đất không phát sinh tranh chấp cũng như không bị Toà án lập biên bản thi hành án.
- Mảnh đất đã được thanh toán đầy đủ chi phí xin chuyển đổi mục đích sử dụng.
6. Hồ sơ xin chuyển đổi lên thổ cư của đất LUC là gì?
Bộ hồ sơ mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xuất trình trong trường hợp cần xin chuyển đổi mục đích sử dụng thường bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo mẫu hiện hành.
- Đơn đăng ký biến động đất và các tài sản gắn liền với đất.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất.
- Giấy uỷ quyền (nếu có).
Trong trường hợp đặc biệt yêu cầu thêm loại giấy tờ nào khác thì cán bộ địa chính sẽ trực tiếp hướng dẫn cụ thể.
7. Trình tự xin chuyển đổi từ đất LUC lên thổ cư như thế nào?
Sau khi đã chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ như trên, các bạn cần thực hiện các bước sau để hoàn tất quá trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất:
Bước 1: Chủ đất nộp hồ sơ
Chủ đất có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường địa phương. Tại đây bạn sẽ được cán bộ địa chính hướng dẫn bổ sung giấy tờ nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
Thủ tục chuyển đổi đất LUC lên thổ cư sẽ được thực hiện tại Phòng Tài nguyên và Môi trường địa phương
Bước 2: Đợi cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết yêu cầu
Sau khi đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ từ phía chủ đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường địa phương sẽ tiến hành thẩm tra lại hồ sơ, xác minh thực địa cũng như xác thực mục đích sử dụng đất của người làm đơn. Sau khi hoàn tất các bước thẩm định này, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc tương đương xin cấp quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ngay khi có quyết định chính thức, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm cập nhật, chỉnh sửa các cơ sở dữ liệu địa chính có liên quan.
Lưu ý: tại bước này, chủ đất sẽ được cán bộ địa chính thông báo và hướng dẫn thực hiện các loại nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau khi chủ đất đã hoàn thiện tất cả các loại nghĩa vụ tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ trao quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang thổ cư. Thông thường nếu hồ sơ không có sai sót, người dân chỉ cần đợi tối đa 15 ngày để nhận được quyết định chính thức. Tuy nhiên đối với một số khu vực đặc biệt như miền núi, hải đảo hoặc vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, chủ đất có thể phải đợi tối đa 25 ngày.
Trên đây là các thông tin cũng như quy định mới nhất về đất LUC như đất LUC là gì , quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng từ LUC sang thổ cư,… Để quá trình sử dụng đất diễn ra thuận lợi nhất, bạn vẫn nên tham khảo thêm tư vấn từ cán bộ địa chính địa phương trước khi thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai.
Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể tham khảo các bài viết khác cùng chủ đề được đăng tải trên chuyên trang " Wiki BĐS " do Muonnha.com.vn thực hiện. Các thông tin về thị trường bất động sản, lời khuyên từ chuyên gia, hay các thông tin về quy hoạch, pháp lý,... được cập nhật mỗi ngày chắc chắn sẽ hữu ích cho những ai đang tham gia vào thị trường bất động sản.
Hà Linh
>> Đất MNC là gì? Quy định cho thuê đất MNC mới nhất hiện nay
>> Đất ĐRM là đất gì - 6 câu hỏi thường gặp liên quan đến đất ĐRM
>> Đất nông nghiệp là gì - 5 bước chuyển đổi đất nông nghiệp sang thổ cư