Bộ Tài chính đang kiến nghị xây dựng Luật Thuế tài sản với đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Theo đó, với nhà ở, Bộ xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống là ngưỡng không chịu thuế. Điều này tức là, phần bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng định là 0,4%. Tuy nhiên đề xuất của Bộ Tài chính vừa đưa ra đã gây nhiều tranh cãi.
Thuế nhà ở là cần thiết, song Luật Đất đai phải tích cực hơn
Nhiều chuyên gia cho rằng, thuế tài sản là một sắc thuế phổ biến trên thế giới, tuy nhiên Việt Nam áp dụng phải cần có lộ trình, để các khung pháp lý kiện toàn vừa đủ. Hiện vẫn cần phải thỏa mãn nhiều điều kiện khác mới có thể áp dụng trơn tru và hợp lý.
Trước mắt, việc đưa ra tỷ lệ thu 0,4% là hợp lý cho lộ trình đầu tiên.
Theo quan điểm của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), sắc thuế này sẽ hợp lý nếu Luật Đất đai sửa đổi mang chiều hướng tích cực hơn. Tại các nước trên thế giới, việc thực hiện thu thuế tài sản đối với nhà ở được ủng hộ, bởi họ không có khoản thu ngân sách đối với tiền sử dụng đất.
Việc đề xuất đánh thuế với nhà ở giá trị trên 700 triệu đồng được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình. Ảnh: Lê Quân |
Trong khi đó ở Việt Nam đang có khoản thu này. Lẽ ra tiền thu vào ngân sách được xem là một sắc thuế, thì nước ta lại không ghi nhận. Với tiền sử dụng đất, Việt Nam đang thu dựa trên Luật Đất đai chứ không phải là các loại thuế phí.
HoREA cho rằng, đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thì tiền sử dụng đất đang là ẩn số, bởi không thể tiên lượng trước bao nhiêu để tính toán khi làm dự án. Đây cũng là gánh nặng vì tiền sử dụng đất phải nộp tương đương với 70% tiền làm dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng, thì coi như doanh nghiệp mua đất lần thứ 2. Đương nhiên gánh nặng này được chuyển sang vai người mua nhà. Và người chịu thiệt cuối cùng chính là người mua nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói: "Tôi đồng ý với việc áp thuế tài sản đối với nhà ở như các nước khác, song với điều kiện không có tiền sử dụng đất quá nặng như hiện nay. Đồng thời, cần chuyển tiền sử dụng đất thành một sắc thuế có thể gọi là thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tùy theo công năng và mục đích sử dụng là gì? Sắc thuế này có thể thu 10% trên bảng giá đất địa phương, chứ ban hành luật thuế tài sản lúc này là chưa đủ điều kiện”.
Đánh thuế nhà ở để tạo công bằng cho các ngành nghề khác
Trước nhiều luồng ý kiến phản ứng về đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, người dân nên bình tĩnh để hiểu đúng về Thuế tài sản, cũng như đề xuất của Bộ Tài chính.
"Đây là sắc thuế quan trọng cho sự công bằng và phát triển của đất nước. Nếu thực hiện đúng, sắc thuế này sẽ hợp lý cho phát triển sản xuất kinh doanh, tạo giá trị, xóa bỏ chuyện người có nhà đất lớn là nhóm cầm trịch nền kinh tế", ông Hiển nói.
Theo các chuyên gia, việc đánh thuế tài sản là cần thiết để tạo công bằng cho các ngành nghề khác. Ảnh: Minh Hoàng |
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: "Tình trạng giá nhà đất tăng tại mọi địa phương, sẽ có lúc "đóng băng", nhưng rồi lại tăng tiếp, hình thành mặt bằng giá mới. Ban đầu chúng ta sẽ không thấy tác hại bởi người có đất được lợi. Nhưng mọi nguồn vốn sẽ không đổ vào sản xuất kinh doanh mà vào BĐS, do hiệu quả hơn."
Theo chuyên gia này, tiền đổ vào nhà đất đồng thời tác động tiêu cực đến các ngành nghề khác, do dòng tiền chỉ xoay quanh BĐS và những người sở hữu đất đai. Trong khi đó, những người lao động sáng tạo, tạo sản phẩm chưa được đáp ứng xứng đáng những giá trị họ tạo ra. Và chính những người đang lao động sáng tạo rất khó khăn để sở hữu nhà ở, bởi giá BĐS đang vượt xa mức thu nhập của họ.
Ông Hiển cho biết, quan sát các nước phát triển cho thấy, những nước có thuế suất tài sản (BĐS) cao đều có mức sống của số đông tốt hơn (không phải tính theo kiểu thu nhập bình quân đầu người). Rõ ràng thuế tài sản giúp đời sống kinh tế ổn định hơn và tạo công bằng cho mọi thành phần kinh tế.
Tránh để thuế chồng thuế, nên áp dụng sau năm 2020
Một chuyên gia tài chính (giấu tên) nhận xét, việc thu thuế tài sản ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của người dân nên chắc chắn khi đưa ra sẽ vấp phải những phản đối không nhỏ. Vì vậy, cần thiết phải đánh giá nó trong mối quan hệ với các thuế khác, nhằm đảm bảo không có chuyện “thuế chồng thuế”, đảm bảo tính công bằng để thuyết phục người dân.
Khi áp dụng thuế tài sản, với điều kiện Luật đất đai sửa đổi tích cực hơn, tình trạng đầu cơ đất đai được kỳ vọng sẽ biến mất. Ảnh: Lê Quân |
Chuyên gia này chia sẻ thêm, trước mắt tỷ lệ 0,4% của Việt Nam là tương đối hợp lý so với mức 1,5% ở các nước khác. Nhưng hiện thu nhập của người dân đang rất thấp so với giá nhà, nên việc đánh thuế có thể tác động đến tâm lý của người dân. Thuế suất đưa ra phải được tính toán kỹ, không loại trừ các phương án miễn giảm cho các trường hợp có thu nhập bình quân thấp, tránh tạo thêm gánh nặng cho họ.
Thời gian đầu sắc thuế này có thể sẽ bị phản ứng gay gắt, tuy nhiên xét trong dài hạn thì đây chính là công cụ hữu ích để kìm cương giá nhà đất hay hóa giải nạn đầu cơ. Xa hơn nữa sẽ tác động tích cực đến các thành phần kinh tế khác, vì BĐS sẽ về lại giá trị thực, giúp các ngành nghề khác phát triển tập trung hơn, dòng vốn cho nền kinh tế sẽ được phân bổ đều hơn.
Để áp dụng thuế tài sản, đồng thời cũng chống đầu cơ, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Nhà nước cần hoàn thành đề án cấp mã số định danh cá nhân. Kiện toàn được việc này mới tăng tính hiệu quả của việc đánh thuế tài sản trên nhà ở hay bất cứ loại hình gì. Hơn nữa, thời điểm kiện toàn được đề án này cũng phải sau năm 2020, vì vậy việc đánh thuế nên tính toán đến thời điểm.
Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: "Đánh thuế tài sản là hết sức bình thường, nhưng tôi nghĩ sau 2020 là hợp lý, khi Luật Đất đai sửa đổi, đề án cấp thẻ định danh cũng kiện toàn sẽ hỗ trợ sắc thuế này thực hiện hiệu quả và đúng trọng tâm hơn. Điều quan trọng nhất là sắc thuế không đẩy gánh nặng lên người dân”.