Ngành thép Việt Nam đang đi đầu trong chủ động phòng vệ thương mại. Ảnh: Internet |
Hiện tại, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đang xem xét khởi xướng điều tra vụ kiện tự vệ đối với mặt hàng thép mạ kẽm phủ sơn. Có thể thấy, thép là một ngành sản xuất đã biết sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại như là vũ khí đắc lực để tự vệ mình trong điều kiện biện pháp này chưa được các ngành sản xuất khác sử dụng triệt để.
Cơ quan này cũng nhận thấy rằng, theo định hướng phát triển ngành thép của Chính phủ theo Quyết định 145/2007/QĐ-TTg thì mục tiêu của ngành thép là đáp ứng tối đa nhu cầu về các sản phẩm thép của nền kinh tế và tăng cường xuất khẩu, những doanh nghiệp Việt Nam đã rất mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất ngành thép của Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam trong các vụ việc phòng vệ thương mại đều có khả năng đáp ứng nhu cầu thép của thị trường trong nước.
Tuy vậy, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập siêu hơn 6,32 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phép, với thặng dư kim ngạch nhập khẩu là 1,92 tỷ USD. Tình trạng này nếu kéo dài, chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ thép nước ngoài nhập khẩu, gây ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, năng lực sản xuất của một số sản phẩm thép, chẳng hạn như phôi thép, hiện mới chỉ đạt khoảng 40-50% do ảnh hưởng của hàng nhập khẩu do dư cung trên thị trường, nhất là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất phôi thép tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng sản lượng đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất thép thành phẩm trong nước trong thời gian tới.
Do vậy, để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của ngành thép trong xu thế hội nhập, theo bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra phòng vệ thương mại- Cục QLCC, về lâu dài các doanh nghiệp thép Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, nhất là phôi thép đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần hoàn thiện và nâng cao công nghệ kỹ thuật trong sản xuất cũng như tổ chức bộ máy kinh doanh nhằm tối thiểu hóa chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu, đa dạng, phong phú của khách hàng trong nước thì mới hướng đến sự phát triển bền vững được.