Báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố cho thấy giá bán lẻ xi măng trong tháng 5/2016 cơ bản ổn định so với tháng trước đó; tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện giá xi măng phổ biến từ 1.050.000-1.550.000 đồng/tấn; còn tại các tỉnh miền Nam mức giá này phổ biến từ 1.460.000-1.850.000 đồng/tấn.
Riêng mặt hàng thép xây dựng, do giá nguyên liệu đầu vào (phôi thép, thép phế) có biến động tăng nên vào đầu tháng 5, một số nhà máy sản xuất thép trong nước có sự điều chỉnh tăng giá thép xây dựng khoảng 500-1.000 đồng/kg tùy từng loại; ngoài ra, một số doanh nghiệp thép cũng điều chỉnh giảm mức chiết khấu bán hàng từ 200-250 đồng/kg tùy từng loại.
Giá vật liệu xây dựng vẫn giữ ổn định sẽ có tác động tích cực đến thị trường
bất động sản, nhà đầu tư và người tiêu dùng. Ảnh: TL
Như vậy giá thép xây dựng bán lẻ trong tháng 5/2016 đã tăng từ 500-1.000 đồng/kg so với tháng 4/2016. Cụ thể, tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung giá thép dao động phổ biến ở mức từ 12.600-14.550 đồng/kg; còn tại các tỉnh miền Nam giá thép dao động từ 12.700-14.850 đồng/kg.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, giá bán các loại vật liệu xây dựng tiếp tục được giữ ổn định sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản cũng như tăng trưởng chung của nền kinh tế. Điều mà các doanh nghiệp vật liệu xây dựng lo ngại lúc này là thép Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào trong nước sau khi giá đồng nhân dân tệ giảm mạnh kéo giá nhập khẩu giảm theo.
Tổng cục Hải quan vừa công bố thống kê mới nhất cho thấy, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5 vừa qua đạt hơn 7,98 tỷ USD, tăng khoảng 21,2% (tương ứng tăng hơn 1,39 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 5/2016. Trong đó, sắt thép các loại tăng khoảng 22,4%, tương ứng với mức tăng 71 triệu USD. Việc sản phẩm thép Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam có thể có lợi cho người tiêu dùng nhưng các doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh.
Do đó mới đây, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đề xuất dụng biện pháp tự vệ (đánh thuế tự vệ) đối với mặt hàng thép mạ kẽm phủ sơn. Như vậy đây là vụ kiện thứ tư của doanh nghiệp tại Việt Nam đối với các sản phẩm thép nhập khẩu, gồm thép không gỉ cán nguội (inox), phôi thép, thép dài, thép mạ (tôn mạ) và thép mạ kẽm phủ sơn (tôn mạ màu) nhập từ Trung Quốc.