Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội thép (VSA) cho biết, mới đây, VSA và nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công thương tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại, nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc có dấu hiệu bán phá giá thép rất mạnh vào Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phôi thép và thép dài nhập về Việt Nam trong năm 2015 đã lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng 30%, trên 70% trong số đó là thép Trung Quốc.
Ông Sưa cho biết thêm, người lao động một số nước châu Âu đang biểu tình phản đối thép giá rẻ của Trung Quốc và kêu gọi ngành thép châu Âu, các nước EU phải mạnh tay áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước. Như vậy, cả thế giới, bao gồm các nước phát triển đang phải vật lộn với thép Trung Quốc. Do đó, nếu Việt Nam không sớm áp biện pháp tự vệ thì ngành thép Việt Nam sẽ không tồn tại được do không cạnh tranh được với thép Trung Quốc.
Nếu không sớm áp biện pháp tự vệ thì ngành thép Việt Nam sẽ không tồn tại được do không cạnh tranh được với thép Trung Quốc |
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại, Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI, việc sử dụng hay không các công cụ phòng vệ thương mại trên thực tế phụ thuộc hầu như toàn bộ vào các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có tư cách đứng đơn có muốn và có năng lực sử dụng các công cụ này hay không, cũng như các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ phòng vệ thương mại.
Bà Loan cho rằng, phòng vệ thương mại là một công cụ “tập thể” được trao cho các ngành sản xuất nội địa nhằm bảo vệ cả ngành của mình trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt cũng mang tính tập thể từ bên ngoài. Chính vì vậy, một doanh nghiệp đơn lẻ không thể đứng đơn kiện hay sử dụng công cụ này, trừ trường hợp bản thân doanh nghiệp đó là đại diện của ngành. Vì vậy, vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc tăng cường kết nối các doanh nghiệp tham gia và trực tiếp tham gia cùng với doanh nghiệp sử dụng các cụ phòng vệ thương mại.
Nhằm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các đơn vị đứng đơn kiện trước tiên phải điều tra và cung cấp những thông tin một cách chi tiết, đầy đủ. Bên đứng đơn kiện cũng phải xác định mình sẽ kiến nghị biện pháp phòng vệ thương mại gì? chống bán phá giá, chống trợ cấp hay áp dụng biện pháp tự vệ. Ngoài ra, cần có luật sư, chuyên gia tư vấn rất bải bản. Bởi nếu chỉ tuyên bố và đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ thì không thể đạt kết quả được.