11 doanh nghiệp VLXD niêm yết trên 2 sàn đang xin cổ đông giảm chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2012. Ảnh: Vũ Lê |
Ngày mai (28/11), HĐQT Vinaconex - PVC sẽ thực hiện việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2012. Trong trường hợp được thông qua, quý IV, PVV phải lãi trên 36 tỷ đồng trước thuế mới đạt được mục tiêu điểu chỉnh (9 tháng, PVV lỗ 34,2 tỷ đồng).
Tuy nhiên mục tiêu có lãi trong quý IV đối với PVV sẽ là một thách thức. Bởi kết quả lợi nhuận âm trong quý III vừa qua cũng là quý thứ 4 liên tiếp PVV chìm trong thua lỗ. Đồng thời theo giải trình của PVV, suy thoái kinh tế là một trong những nguyên nhân doanh thu xây lắp và bất động sản của công ty giảm mạnh. Mà suy thoái kinh tế, theo các chuyên gia, có thể sẽ còn kéo dài qua cả năm 2013.
4 công ty con của Vinaconex là Công ty cổ phần Xây dựng số 5 (VC5), Công ty cổ phần Vinaconex 6 (VC6), Công ty cổ phần Xây dựng số 7 (VC7), Công ty cổ phần Xây dựng số 9 (VC9) cũng thông báo xin ý kiến cổ đông về việc giảm kế hoạch kinh doanh năm 2012.
Trong đó, VC9, đầu tháng 11, sau khi công bố kết quả kinh doanh 9 tháng (tổng doanh thu trên 553 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 16,6 tỷ đồng) đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2012 giảm 8,88% tổng doanh thu (từ 872,2 tỷ đồng về 781,9 tỷ đồng), giảm 10,81% lợi nhuận trước thuế (từ 26,8 tỷ về 23,9 tỷ đồng) và tỷ lệ cổ tức giảm từ 16% còn 14%.
Với kế hoạch điều chỉnh này, ban lãnh đạo VC9 sẽ “nhẹ gánh” hơn trên 51 tỷ, khi chỉ còn cách đích gần 229 tỷ đồng về doanh thu thay vì trên 280 tỷ đồng nếu chưa điều chỉnh. Đồng thời, đích của lợi nhuận trước thuế cũng còn 7,3 tỷ đồng, thay vì 10,2 tỷ đồng.
2 đơn vị khác của Vinaconex là VC5 và VC6, theo nghị quyết HĐQT cũng lần lượt điều chỉnh lợi nhuận trước thuế từ 19 tỷ đồng, 13,05 tỷ đồng về 14 tỷ đồng và 10,44 tỷ đồng. Đồng thời tỷ lệ cổ tức của VC5 mẹ điều chỉnh từ 14% về 10%, và VC6 điều chỉnh tỷ lệ cổ tức từ 10% về 8%.
Một năm khó khăn của ngành vật liệu xây dựng và bất động sản. Ảnh: Hoàng Lan |
Đối với VC7, từ 19/11 tới 19/11 đến 2/12 sẽ là thời hạn để công ty xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh doanh 2012. Tuy nhiên, không thấy những con số điều chỉnh cụ thể trong các thông báo công khai của VC7 được đưa ra.
Theo báo cáo tài chính, 9 tháng, doanh thu thuần của VC7 đạt trên 157 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 2,7 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm 2011. Còn theo kế hoạch kinh doanh 2012 của VC7 đã được ĐHCĐ thông qua, doanh thu dự kiến 325 tỷ đồng, bằng 110% thực hiện năm 2011, lãi trước thuế dự kiến 14,5 tỷ đồng, bằng 128,5% thực hiện năm 2011, tỷ lệ chia cổ tức 12%. So với kế hoạch, 9 tháng, VC7 mới thực hiện được chưa đầy một nửa mục tiêu về doanh thu và gần 20% về lợi nhuận trước thuế.
Một số đơn vị khác trong ngành vật liệu xây dựng cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh điều chỉnh giảm, như Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 (HU3), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18 (L18), Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC), Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà (SIC), Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (TKC), Công ty cổ phần Viglacera Thăng Long (TLT). Mẫu số chung của các đơn vị này cũng là kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong 9 tháng đầu năm.
Trong đó, riêng PTC, ngày 16/11, với tỷ lệ chấp nhận dưới 75% số cổ phần có quyền biểu quyết, công ty đã không thể thông qua được việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Theo đó, kế hoạch doanh thu giữ nguyên là 342,1 tỷ, lãi trước thuế là 16,6 tỷ và tỷ lệ cổ tức là 5%. Như vậy, lũy kế 9 tháng, PTC chưa hoàn thành một phần ba kế hoạch doanh thu, và đang cách khá xa kế hoạch lợi nhuận khi lỗ gần 27 tỷ đồng.
Nói về việc điều chỉnh mục tiêu kinh doanh, theo lãnh đạo của một đơn vị, chủ yếu là do khó khăn chung của thị trường. Đồng thời, công ty không muốn chạy đua theo chỉ tiêu sẽ dẫn tới áp lực cho các đơn vị thành viên. Vị này cũng cho rằng, đây là giai đoạn cần triệt để tập trung giải quyết hàng tồn kho, chuẩn bị nguồn lực cho khi thị trường hồi phục.
Theo một chuyên gia phân tích doanh nghiệp, việc giảm chỉ tiêu kinh doanh của các công ty vào như thế này năm nào cũng diễn ra. Chuyên gia này nhận định: “Đây chủ yếu là làm nhẹ đi sức ép của cổ đông về kết quả kinh doanh và làm đẹp báo cáo tài chính là chủ yếu. Thêm vào đó, cũng có thể là vấn đề lương thưởng, lương thưởng của ban lãnh đạo cũng bị giảm đi nếu các mục tiêu không hoàn thành”.
Nhận định về việc tại sao lại phải giảm kết quả kinh doanh vào thời điểm còn hơn một tháng nữa là năm tài chính 2012 kết thúc, chuyên gia này cho rằng: “Đừng tưởng việc giảm chỉ tiêu này không quan trọng, có thể với mình nhỏ thì không cần. Nhưng phải đặt mình vào cái ghế của các vị tổng giám đốc, sức ép của họ vô cùng lớn, việc hoàn thành chỉ tiêu là rất quan trọng”.
Trả lời chất vấn trên nghị trường Quốc hội ngày 13/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Trịnh Đình Dũng khẳng định, tồn kho bất động sản có ảnh hưởng trực tiếp đến những ngành có liên quan như vật liệu xây dựng. Theo số liệu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, hiện, gạch ốp lát vật liệu xây dựng nung và không nung, đặc biệt là kính xây dựng tồn kho khá nhiều, tương đương với hai tháng sản xuất. Riêng xi măng, tồn kho tuy giảm nhưng vẫn bằng 17 ngày sản xuất, tức là 2,57 triệu tấn.
Cũng theo số liệu từ Bộ Xây dựng, hiện tổng giá trị tồn kho bất động sản ước tính khoảng 40.750 tỷ đồng, tập trung tại tất cả các dự án từ nhà chung cư, nhà ở thấp tầng, văn phòng, trung tâm thương mại... "Hiện nay là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản, và chắc chắn vẫn phải tiếp tục khó khăn", ông Dũng đánh giá.