Đó là ý kiến chung tại Phiên họp thứ 10 của Ban chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường BĐS. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam thì có nhiều chủ đầu tư đã tiền hành đầu tư vượt khả năng rất nhiều, thậm chí có chủ đầu tư làm dàn trải hàng chục dự án mà hầu hết kinh phí đầu tư huy động từ người dân và ngân hàng.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp BĐS thua lỗ, rơi vào gánh nặng nợ nần, một phần do môi trường kinh doanh chưa tốt, chưa tạo cơ hội công bằng, bình đẳng, cạnh tranh. Các ý kiến tại phiên họp cho rằng, tình hình hiện nay đã thay đổi và các doanh nghiệp đều phải hướng về người tiêu dùng để phục vụ lợi ích của người tiêu dùng. Việc hướng về nhu cầu thực của người tiêu dùng cũng chính là hướng đi để cứu các doanh nghiệp BĐS. Do vậy, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần xem xét cơ cấu lại các dự án, phù hợp quy hoạch, đủ kinh phí và trúng nhu cầu thực của người tiêu dùng thì hãy triển khai….
Chủ trì phiên họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường BĐS cho rằng, không chỉ bất động sản mà nhiều lĩnh vực đã rơi vào tình trạng bị thị trường chi phối. Lúc này thị trường cần Nhà nước phải tham gia, nhưng nếu Nhà nước can thiệp quá sâu thì dễ rơi vào tình trạng hạn chế yếu tố quy luật thị trường. Do vậy, chính sách điều hành sẽ phải theo liều lượng phù hợp, kích thích thị trường vận hành, phát triển đúng hướng, đúng quy luật.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tới đây trong công tác GPMB, bồi thường tái định cư nên để người dân trực tiếp nhận tiền rồi tự mua nhà phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ, tránh tình trạng được bố trí nhà tái định cư nhưng người dân không ở.