Ảnh: VNN |
Ngày 18/2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai, trước khi trình QH thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới.
Theo dự thảo sửa đổi điều 126 của Luật Nhà ở, đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam được mở rộng hơn so với quy định hiện hành.
Những đối tượng này gồm người có quốc tịch Việt Nam (không phân biệt là nhà đầu tư, nhà văn hóa hay nhà khoa học) không cần điều kiện trở về làm việc thường xuyên tại Việt Nam như quy định hiện hành, người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trongnước và người được cấp giấy miễn thị thực vào Việt Nam.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế QH cho rằng, việc mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như vậy " sẽ rất rộng, không hợp lý, có thể làm tăng giá nhà trong nước, gây khó khăn cho những người chưa có nhà ở ".
Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sĩ Kiêm băn khoăn: " Việc sửa đổi này khó thực thi, vì dự thảo luật mở rộng quá nhiều đối tượng được hưởng, trong khi đó lại không quy định rõ các đối tượng này được sở hữu bao nhiêu ngôi nhà. Đây là kẽ hở để các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản lợi dụng đầu cơ ".
Theo ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Du Lịch, nên cân nhắc lại việc sửa đổi, luật phải cụ thể, rõ ràng, tránh hiện tượng "nhập nhằng" giữa hai mục đích ở và kinh doanh. Ông đề nghị nên quy định các đối tượng này " chỉ được sở hữu một nhà để ở chứ không được sử dụng vào mục đích khác như mở văn phòng, kinh doanh bất động sản ".
Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai là hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc sửa đổi bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hạn chế tình trạng đầu cơ.
Ông Kiên dẫn chứng, có nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhờ người thân mua nhà và đứng tên hộ quyền sở hữu nhà ở hoặc mua bán trao tay, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước, làm phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở giữa các bên. Cần làm rõ các đối tượng cư trú nào thì được sở hữu nhà...
Theo tờ trình của Chính phủ, trước đây, Luật này quy định chỉ có 4 nhóm người gốc Việt được sở hữu nhà. Đó là người có công với cách mạng, nhà khoa học, các chuyên gia hoặc người có nhu cầu về nước sống ổn định.
Hiện có khoảng 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Trả lời VietNamNet cách đây 1 năm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay: " Lượng bà con Việt kiều có nhu cầu và đủ điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam không lớn, do vậy dự báo cũng không tác động nhiều đến việc tăng quỹ nhà ở cho các đối tượng này ".
Ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ, UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đánh giá, với giá nhà đất hiện nay, không phải kiều bào nào cũng có thể mua nhà trong nước.
" Việc "mở" để kiều bào mua và sở hữu nhà ở trong nước cũng sẽ giúp họ được chính thức đứng tên sở hữu tài sản, làm giảm những tranh chấp, khiếu kiện không đáng có, làm tăng niềm tin về sự nhất quán trong chủ trương, chính sách và thực hiện đối với người Việt Nam ở nước ngoài ", ông Ngọc nói.
Theo Vietnamnet