Đúng như tên gọi, phong cách chuyển tiếp trong thiết kế nội thất là sự kết hợp, giao thoa giữa hai phong cách đối lập nhau – truyền thống và đương đại. Đôi khi, phong cách chuyển tiếp còn được coi là bản nâng cấp của phong cách truyền thống bởi nó đóng vai trò trung gian, sử dụng những điểm mạnh của cả hai phong cách truyền thống và đương đại nhằm tạo nên một thiết kế cân bằng, tinh tế phù hợp với sở thích, nhu cầu và phong cách sống đa dạng của các thành viên trong gia đình.
Đặc trưng cơ bản nhất của phong cách chuyển tiếp
Màu sắc trung tính
Phong cách chuyển tiếp gắn kết mật thiết với sự tối giản hóa, thể hiện ở màu sắc sử dụng. Bức tường sơn màu đen, xám, be, cát, trắng ngà là phông nền hoàn hảo tôn lên vẻ đẹp của vật dụng và đồ trang trí. Những màu sắc khác chỉ nên sử dụng cho những vật dụng, đồ trang trí có kích thước nhỏ.
Phòng khách thuộc căn hộ ở thành phố New York trên đây sử dụng sắc xám rất nhạt làm gam màu chủ đạo, giúp phản chiếu lại ánh sáng tự nhiên, đồng thời tôn lên vẻ đẹp của sofa và ghế tựa. |
Tuy nhiên, màu sắc chủ đạo trong không gian chuyển tiếp còn tùy thuộc vào bầu không khí mà bạn muốn tạo nên cho căn phòng. Để tạo sự tinh tế cho không gian mang phong cách chuyển tiếp, hãy sử dụng khoảng 4 đến 5 tông màu của cùng một sắc thái hoặc tạo sự ấn tượng với những gam màu tối, u ám hơn nhưng vẫn phải duy trì tính nhất quán cho không gian nội thất.
Nội thất không quá phô trương
Thiết kế nội thất chuyển tiếp là sự pha trộn đầy ngẫu hứng giữa nhiều yếu tố khác nhau theo một cách có chủ đích. Không quá bề thế, chạm trổ cầu kỳ như phong cách cổ điển nhưng cũng không quá tối giản như phong cách đương đại mà nội thất phong cách chuyển tiếp có kích thước vừa phải với những đường cong nhẹ nhàng, đơn giản trên hình dáng cổ điển, kết hợp cùng các vật liệu đương đại như kim loại, gỗ, kính cùng điểm nhấn bằng vàng, đồng. Ý tưởng này nhằm làm cho căn phòng không quá cứng nhắc, cũng không quá điệu đà để đáp ứng nhu cầu và gu thẩm mỹ đa dạng của các thành viên trong gia đình.
Nội thất phong cách chuyển tiếp có kích thước vừa phải, chú trọng đến công năng hơn là những chi tiết trang trí rườm rà. |
Chất liệu đa dạng
Phong cách chuyển tiếp trở nên phổ biến một phần là nhờ sự kết hợp hiện đại của các đồ đạc. Khi ứng dụng phong cách này, bạn có thể kết hợp lụa, lanh, lông thú, da lộn… với những món đồ làm từ đồng, nhôm, đá granite… Chính sự kết hợp độc đáo này sẽ giúp không gian trở nên hấp dẫn và ấm cúng hơn.
Phụ kiện trang trí
Phong cách chuyển tiếp sử dụng gam màu trung tính chủ đạo và lối bài trí hết sức đơn giản, do vậy, điểm nhấn của không gian nằm ở chính phụ kiện trang trí. Hãy lựa chọn những món đồ táo bạo để tạo sự hấp dẫn trực quan cho căn phòng mà không phá vỡ tính thống nhất của tổng thể. Phụ kiện trang trí ở đây có thể là một bình hoa cắm trên cửa sổ hay những bức ảnh gia đình đóng khung gỗ hoặc khung màu bạc. Những vật dụng mang tới sự thoải mái, thân thiện như thảm, gối tựa và chăn cũng được đánh giá cao. Các họa tiết hình học đơn giản, đương đại trên những vật dụng này khiến không gian thêm phần tươi vui, sống động và chào đón hơn.
Rèm cửa đơn giản
Thông thường, phong cách nội thất chuyển tiếp có xu hướng tôn vinh sự bất định và lối trang trí công phu. Tuy nhiên, với cửa sổ, hãy thiết kế càng đơn giản càng tốt. Chỉ với một tấm rèm trong suốt hay rèm làm từ những chất liệu mỏng kết hợp cùng thanh treo và dây kéo đơn giản là đủ.
Rèm cửa đơn giản phù hợp với phong cách chuyển tiếp.
Đưa phong cách chuyển tiếp vào từng phòng trong nhà
Tạo nên không gian chuyển tiếp hài hòa, mang tính gắn kết cao thực sự là một thách thức với bất cứ ai. Dưới đây là một vài ý tưởng giúp bạn dễ dàng ứng dụng phong cách chuyển tiếp cho ngôi nhà thân yêu của mình.
Phòng khách
Như đã đề cập trước đó, ngôi nhà mang phong cách chuyển tiếp là sự pha trộn, cóp nhặt những gì tốt nhất từ hai phong cách truyền thống và đương đại. Chúng ta có vô vàn lựa chọn cho phòng khách, chẳng hạn như một chiếc ghế với thiết kế độc đáo, họa tiết lạ mắt, những bức tranh nghệ thuật cho tới những tác phẩm điêu khắc với đủ mọi chủ đề với kích cỡ khác nhau.
Bí quyết ở đây là luôn giữ cho mọi thứ được cân bằng và đồng bộ với nhau. Một yếu tố quan trọng khác là đảm bảo rằng những nội thất trong phòng có sự tương đồng về kích cỡ, bàn và ghế phải có cùng tỷ lệ để đảm bảo sự hài hòa cho tổng thể chung.
Phòng ngủ phong cách chuyển tiếp
Với phòng ngủ, bạn có thể áp dụng những ý tưởng đã được gợi ý dành cho phòng khách trên đây và kết hợp cùng một tấm gương độc đáo. Giường ngủ nên được thiết kế bệt hoặc bọc nệm phần đầu giường nhằm mang tới sự an toàn, dễ chịu cho người sử dụng. Ngoài ra, nếu muốn tận dụng chiếc giường kiểu truyền thống trước đó thì bạn nên đặt cạnh đó một chiếc bàn hình khối hiện đại cùng đèn kim loại bóng bẩy.
Nét nữ tính pha trộn nam tính trong phòng ngủ phong cách chuyển tiếp.
Phòng bếp phong cách chuyển tiếp
Nếu phòng bếp nhà bạn vốn dĩ đã được thiết kế theo phong cách truyền thống và bạn không muốn thay đổi, vậy hãy mạnh tay hơn trong việc lựa chọn những phụ kiện hiện đại, đó có thể là một bộ đèn thả trần phong cách đương đại treo lơ lửng ngay trên đảo bếp. Mặt bàn bếp bằng thép cũng góp phần mang tới diện mạo đương đại cho những không gian bếp truyền thống.
Phòng ăn
Bạn có thể sử dụng bộ bàn ghế ăn phong cách hiện đại nhưng bọc nệm những chiếc ghế bằng loại vải truyền thống. Hoặc sử dụng các chất liệu bọc truyền thống và bù lại bằng đèn chiếu sáng hiện đại, chẳng hạn như đèn thả trần bằng thép không chao. Ván ốp chân tường cổ điển cũng là một chi tiết thiết kế cổ điển mà bạn nên đưa vào không gian ăn uống đương đại.
Phòng tắm
Sử dụng kính, kim loại, gốm và gỗ để đưa những nét hiện đại vào căn phòng. Nếu đã có một chiếc bồn tắm clawfoot (loại bồn tắm nằm, có 4 chân nâng đỡ phần bồn nước giống những bộ móng của những con thú), hãy phối cùng sàn gạch hiện đại hoặc vẫn sử dụng gạch truyền thống nhưng lát theo hình xương cá hiện đại.
May