Tuy nhiên, người đứng đầu ngành xây dựng đã khẳng định, ngay từ lúc này, việc hạn chế sự tăng trưởng quá nóng dẫn tới đầu cơ là nhiệm vụ phải được đặt ra.
Thị trường BĐS: Vừa mừng vừa lo
Đó là tâm trạng của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM khi nhắc tới diễn biến thị trường nhà đất trên địa bàn năm qua. Có thể nhận thấy, năm 2014, điều đáng mừng là những dấu hiệu phục hồi của thị trường BĐS Tp.HCM sau 6 năm trầm lắng.
Ông Tuấn cho hay, trong năm qua, giao dịch khoảng 6.000 căn hộ trên địa bàn, trong đó có 3.121 căn là hàng tồn kho từ khá lâu, hiện đã được hoàn thành để bán cho người có nhu cầu. Từ con số khoảng 50% hàng tồn kho, còn lại là các dự án xây dựng mới có thể thấy, thị trường BĐS đang vận hành khá tốt. Các chủ đầu tư có tiềm lực không “im lặng” mà vẫn chuẩn bị từ khá lâu để tới năm 2014 tung hàng ra thị trường.
Ông Tuấn khẳng định: “Chúng tôi đi khảo sát tại nhiều dự án mới thì thấy các chủ đầu tư của các dự án mới rất năng động trong việc thu hút khách hàng bằng chất lượng, dịch vụ, giá bán... Sự thay đổi tư duy này sẽ khiến thị trường phát triển bền vững”. Cũng theo ông Tuấn, đã có thêm 28 nhà đầu tư được công nhận đủ điều kiện đầu tư dự án BĐS trong năm 2014, tăng 180% so với năm 2013. Đặc biệt, chỉ khoảng 50% dự án trong số này đủ điều kiện thi công trong năm nay thôi đã có tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng.
Về gói vốn 30.000 tỷ đồng kích cầu thị trường BĐS, theo ông Tuấn, trên địa bàn Tp.HCM tính đến 31/12/2014 đã cho 3.200 khách hàng vay 1.890 tỷ đồng, trong đó cho 2 doanh nghiệp vay gần 500 tỷ đồng.
Người đứng đầu ngành xây dựng Tp.HCM cũng rất lo lắng khi thị trường vừa phục hồi đã xuất hiện những dấu hiệu nóng cục bộ, tiến độ xây dựng vẫn chậm so với yêu cầu đặt ra trong khi các dự án nhà ở xã hội là trọng tâm để hỗ trợ phát triển kinh tế thành phố.
Ông Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi mừng vì thị trường ổn định, phát triển trở lại, nhưng cũng lo phải kiểm tra, giám sát để thị trường vận hành bền vững, hạn chế nạn đầu cơ”.
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thăm nhà ở công nhân Thái Nguyên |
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, trên địa bàn thủ đô hiện có 573 dự án nhà ở, trong đó có khoảng 300 dự án có triển khai xây dựng và lên đến 200 dự án vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.
Ông Dục đã chia sẻ về nhiệm vụ lớn của ngành xây dựng Hà Nội trong năm nay. Ông Dục nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát kỹ càng hơn 500 dự án nói trên với hai mục tiêu là kiên quyết dừng, thu hồi dự án với các chủ đầu tư không đủ khả năng triển khai để tạo quỹ đất, đồng thời đảm bảo việc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20-30% diện tích cho nhà ở xã hội tại các dự án".
Thị trường phải đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân
Khi nhắc đến nhu cầu nhà ở hiện tại, ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, hiện tại, có đến 80% dân số đô thị cần hỗ trợ về nhà ở. Vì thế, phát triển nhà ở xã hội chính là một hướng đi rất khoa học nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Về việc cụ thể hóa các giải pháp của Chính phủ, trong đó yêu cầu phải tháo gỡ những khó khăn cho thị trường BĐS gắn với chiến lược phát triển nhà ở, thay vì chỉ phát triển nhà ở cao cấp, tập trung vào nhà ở bình dân bởi rất nhiều người có nhu cầu trong khi nguồn cung lại thiếu.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước tính đến thời điểm này đã hoàn thiện việc đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó, 64 dự án cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 20.270 căn hộ; 38 dự án cho người thu nhập thấp với quy mô xây dựng khoảng 19.680 căn hộ.
Hiện nay, 150 dự án nhà ở xã hội đang được tiếp tục triển khai, trong đó có 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, tổng mức đầu tư khoảng 18.105 tỷ đồng, quy mô xây dựng khoảng 66.750 căn hộ; 91 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, tổng mức đầu tư khoảng 28.505 tỷ đồng, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ. Trong đó, Tp.HCM triển khai 11 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp với quy mô xây dựng khoảng 7.830 căn; TP. Hà Nội triển khai 14 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 11.900 căn hộ.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói: “Một loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội được ban hành trong thời gian qua đã tác động tích cực đến thị trường nhà ở nói chung và việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng”.
Đối với kết quả triển khai gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng trên toàn quốc, Bộ Xây dựng cho hay, tính tới 15/12/2014, tổng số tiền đã cam kết cho vay là 9.417 tỷ đồng, đạt 31,39% (trong khi đó, tính tới tháng 6/2014 mới đạt 13,47%), hiện nay, đã giải ngân được 4.882 tỷ đồng, đạt 16,27% (tới tháng 6/2014 mới đạt 7,63%). So với giai đoạn từ tháng 6/2014 trở về trước, tốc độ giải ngân 6 tháng cuối năm 2014 tăng gấp hơn 2 lần.
ông Dũng nói: “Đây là chương trình lâu dài, quan trọng nhất là phải đúng đối tượng, đảm bảo nhanh gọn. Theo lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, không thể gọi gói này là gói 30.000 tỷ đồng nữa, mà phải gọi là gói hỗ trợ lãi suất thấp cho chương trình nhà ở, nghĩa là không chỉ dừng lại ở số tiền này mà sẽ có thêm nhiều nguồn để phục vụ cho người có nhu cầu về nhà ở xã hội”.
Nhận định về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường năm qua, ông Dũng đánh giá, từ thực tế đã có thể thấy, chỉ khi những giải pháp hỗ trợ gắn chặt với việc triển khai chiến lược phát triển nhà ở quốc gia thì thị trường BĐS mới có cơ hội phục hồi.
Với những giải pháp xuyên suốt đó, nhiều doanh nghiệp BĐS đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như chia nhỏ căn hộ, chuyển sang phát triển nhà ở xã hội, sử dụng vật liệu hoàn thiện nội địa để giảm giá thành, hỗ trợ cho khách hàng bằng nhiều hình thức...
Hiện nay, thị trường BĐS đã hướng đến đa số người mua, cung cấp các hàng hoá phù hợp với khả năng thanh toán và nhu cầu thực của thị trường. Niềm tin vào thị trường đã dần hồi phục.
Ông Dũng khẳng định: “Tuy nhiên, công tác thanh kiểm tra, giám sát thị trường BĐS phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng, đặt lên hàng đầu ngay trong năm nay. Cần quyết liệt giám sát, điều chỉnh những lệch lạc trong vận hành, không để thị trường phát triển quá nóng, dẫn đến hoạt động đầu cơ, thiếu bền vững”.