Mặc dù khẳng định mục tiêu trên có thể hoàn thành, song Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, việc Hà Nội cần làm ngay lúc này là đưa ra những hành động mạnh mẽ nhằm gây dựng lòng tin cho doanh nghiệp.
- PV: Tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn chưa quá được con số 2% sau 10 năm triển khai, việc chậm trễ này xuất phát từ nguyên nhân nào, thưa ông?
Những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là rào cản ảnh hưởng đến chủ trương cải tạo chung cư cũ được UBND TP. Hà Nội đưa ra từ những năm 2005 - 2006. Nhằm xử lý vướng mắc trên, điều đầu tiên là phải làm rõ được bài toán chia sẻ lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ. Phải làm rõ Nhà nước được bao nhiêu? chủ đầu tư được bao nhiêu? cư dân được bao nhiêu? Những việc làm trên cần đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nếu 70% cư dân đồng ý với phương án phân chia lợi ích được đưa ra lấy ý kiến thì các bên cứ lấy đó làm cơ sở để thực hiện.
Cần phải được thực hiện công khai, minh bạch trong cơ chế phân chia lợi ích các bên để các bên thống nhất. Dựa trên kết quả việc lấy ý kiến công khai sẽ xây dựng được phương án chia sẻ lợi ích hợp lý - hài hòa giữa các bên, như vậy trở ngại về GPMB sẽ được giải quyết.
- Theo quy định thì chỉ cần 75% cư dân toà nhà đồng ý là UBND cấp quận có quyền thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính đối với các hộ dân không đồng thuận. Nhưng UBND các quận lại rất ngại cưỡng chế, vậy theo ông vấn đề này cần được giải quyết ra sao?
Đã nói đến cải tạo chung cư cũ, có nghĩa là nhà nước phải đặt lợi ích chung lên trên lợi ích thiểu số. Nếu 75% hộ dân đã đồng thuận thì UBND cấp quận cần mạnh dạn ban hành quyết định cưỡng chế hành chính. Một khi Luật đã cho phép thì cứ theo luật mà làm. Dựa vào các Nghị định hướng dẫn, TP. Hà Nội có thể xây dựng một quy chế riêng để giải quyết vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, cần tạo ra hành lang pháp lý để người đứng đầu UBND các quận mạnh dạn tổ chức cưỡng chế hành chính khi cần thiết.
Giáo sư Đặng Hùng Võ |
- Quy chế quản lý chiều cao nhà cao tầng vừa ban hành đã cho phép tăng chiều cao chung cư sau cải tạo lên 18 - 24 tầng, thế nhưng mặt khác lại hạn chế tăng dân số cơ học. Theo ông, mâu thuẫn này cần phải giải quyết như thế nào?
Có thể khi đưa ra quy định hạn chế tăng dân số, TP. Hà Nội lo ngại hạ tầng một số khu chung cư cũ sẽ bị quá tải. Nhưng khi đã cho tăng tầng, TP. Hà Nội cần phải xem xét đảm bảo hài hoà lợi ích cho doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư. Thành phố cần chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu, tính toán kỹ hạ tầng của từng khu vực chung cư cũ, đối với những khu hạ tầng vẫn đảm bảo thì không nên hạn chế dân số.
- Nhiều nhà đầu tư khẳng định con số 15 tỷ USD mà UBND TP. Hà Nội vừa kêu gọi đầu tư không phải là con số quá lớn nếu thành phố có hành động “cởi trói” mạnh mẽ. Vậy ông đánh giá ra sao về việc này?
TP. Hà Nội nằm trong số những địa phương hội tụ rất nhiều nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế hùng mạnh. Nếu các vướng mắc về cơ chế được giải quyết kịp thời thì số vốn 15 tỷ USD mà thành phố Hà Nội đang kêu gọi là mục tiêu có thể hoàn thành. Theo tôi, việc đầu tiên Hà Nội cần làm là xây dựng quy chế đảm bảo đúng tiến độ GPMB. Trên thực tế, rất nhiều dự án bị đội giá lên 100%, thậm chí 200% vì doanh nghiệp mắc kẹt về GPMB, trong khi đó họ không có quyền để thay thế cơ quan quản lý thực hiện GPMB.
Vì vậy, TP. Hà Nội cần phải xây dựng một cơ chế xử lý đối với nhóm hộ dân tối thiểu không ủng hộ chủ trương. Thành phố cần làm rõ việc cưỡng chế các hộ dân không đồng thuận được thực hiện theo quy trình thu hồi đất hay quy trình riêng của việc cải tạo chung cư? Nếu Hà Nội giải quyết được những vấn đề trên thì doanh nghiệp sẽ tin tưởng vào cơ chế để mạnh dạn tham gia.
- Từ những vướng mắc đang tồn tại, ông có cho rằng TP. Hà Nội có nên tổ chức một cuộc đối thoại với các nhà đầu tư để tháo gỡ “tại trận” khó khăn cho doanh nghiệp, giống như một số địa phương đã làm?
Việc lãnh đạo TP. Hà Nội tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp BĐS có ý định tham gia cải tạo chung cư cũ là việc làm rất cần thiết, song cần dựa trên quy chế cụ thể. Trước tiên, TP. Hà Nội cần xây dựng một quy chế về cải tạo chung cư cũ để lấy ý kiến. Sau đó, trong quá trình chỉnh sửa quy chế, lãnh đạo thành phố sẽ tổ chức đối thoại. Cuộc đối thoại (nếu tổ chức) sẽ là cơ hội để lãnh đạo Hà Nội lắng nghe và tháo gỡ kịp thời thắc mắc của doanh nghiệp và khẳng định quan điểm “nói đi đôi với làm”, thay đổi tư duy “Hà Nội không vội được đâu” đã hình thành nhiều năm qua.
Cảm ơn ông!