Vì nhiều lý do, việc cắm mốc giới được rất ít địa phương thực hiện nghiêm chỉnh dù quy định của nhà nước đã có từ bốn năm nay. Nếu có mốc giới rõ ràng, người dân sẽ hạn chế việc mua bán, chuyển nhượng đất trái phép.
Dự định trong tháng này Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP sẽ tập huấn cho địa phương để thực hiện công việc này. “Tổ chức cắm mốc giới theo các đồ án quy hoạch đã được duyệt vì mục đích giữ quỹ đất và công khai minh bạch về thông tin quy hoạch cho người dân” - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Toàn giải thích.
Thưa ông, người dân Tp.HCM rất quan tâm đến việc tổ chức cắm mốc giới quy hoạch vì muốn biết nó sẽ ảnh hưởng gì đến ngôi nhà của họ?
Ông Nguyễn Thanh Toàn (ảnh): Theo Thông tư 15/2010, sau khi đồ án quy hoạch được duyệt thì UBND TP, quận huyện phải lập hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới trên thực địa. Việc cắm mốc giới để bảo vệ quỹ đất theo quy hoạch và cụ thể trên thực địa. Chẳng hạn, khu vực này sẽ làm công viên cây xanh, trường học hay con đường này sẽ mở rộng lộ giới bao nhiêu sẽ được thể hiện cụ thể bằng những mốc giới.
Vừa qua TP đã hoàn thành phủ kín quy hoạch phân khu 1/2.000 nên công việc tiếp theo là cắm mốc giới để quản lý quy hoạch.
Lâu nay việc cắm mốc giới thực hiện ra sao?
Thực tế công việc này chưa từng thực hiện. Chỉ có một số tuyến đường mở rộng lộ giới thì Sở GTVT có cho cắm một số mốc giới. Tuy nhiên, việc này thường là chỉ thực hiện khi lập dự án mở rộng đường. Còn việc cắm mốc giới theo Thông tư 15 thì khác, bởi khi quy hoạch phân khu và quy hoạch 1/500 được duyệt là phải thực hiện cắm mốc giới.
Có bao nhiêu kiểu mốc giới được cắm?
Theo Thông tư 15, có ba loại mốc giới cần cắm ngoài thực địa gồm mốc tim đường, mốc chỉ giới đường đỏ, mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng.
Trước đây huyện Bình Chánh cho dựng bảng xi măng một số khu vực, ghi chú “đây là khu vực quy hoạch không phù hợp đất ở, cấm xây dựng, mua bán…”. Loại bảng này có xem là mốc giới?
Cũng có thể xem là một loại bảng cảnh báo, mang tính tự phát. Việc cắm mốc giới sắp tới sẽ phải qua trình tự thủ tục chặt chẽ theo quy định như địa phương phải lập hồ sơ về tổ chức cắm mốc giới. Sau khi được Sở Quy hoạch-Kiến trúc thẩm định, hồ sơ này được UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thực hiện cắm mốc giới sẽ do một đơn vị thi công thực hiện. Riêng các dự án, việc cắm mốc giới với hình thức rào chắn bằng các panô sẽ do chủ đầu tư tự thực hiện.
Tới đây, việc cắm mốc giới sẽ là một hình thức công khai quy hoạch rõ ràng, trực diện hơn đem nhiều lợi ích cho người dân. Ảnh: HTD |
Việc cắm mốc giới sẽ là một hình thức công khai quy hoạch rõ ràng, trực diện chứ không phải chỉ trên hồ sơ sổ sách và điều này rất có lợi cho người dân. Khi khu đất có mốc giới rõ ràng và thông tin quy hoạch thì người dân sẽ biết chính xác nhất khu vực này sẽ làm gì, phạm vi tới đâu. Từ đó việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất trái phép hay vi phạm xây dựng cũng sẽ được hạn chế rất nhiều. Địa phương cũng dễ quản lý quy hoạch hơn.
Theo ông, cắm mốc giới có khó khăn gì không? Có cắm đại trà và phủ kín hết các khu vực quy hoạch?
Ngoài việc thực tiễn chưa từng có thì tâm lý người dân khu vực bị cắm mốc giới cũng có tâm lý không vui nên rất cần thuyết phục người dân trước khi thực hiện. Bởi trong khu dân cư hiện hữu, việc xuất hiện mốc giới trong phạm vi nhà đất của người dân, họ dễ có tâm lý không vui. Do đó cần có cách thực hiện phù hợp nhất.
Quan điểm của tôi là không cắm tràn lan cho tất cả quy hoạch được duyệt. Chỉ khi nào Nhà nước có kế hoạch tương đối chính xác và cụ thể sẽ thực hiện quy hoạch tại khu vực đó hay mở rộng con đường đó trong vòng năm năm trở lại mới tổ chức cắm mốc giới. Bởi nếu cắm đại trà và tràn lan trong khi chưa có kế hoạch thực hiện hoặc sau này điều chỉnh quy hoạch thì ngoài việc tốn kém chi phí, nó còn gây tâm lý không tốt trong dân.
Dự kiến khi nào thì việc cắm mốc giới sẽ được thực hiện? Đã có danh sách cụ thể khu vực nào, tuyến đường nào sẽ cắm mốc giới lần này chưa?
Trước mắt sẽ tổ chức cắm mốc ở một số đường giao thông quan trọng, các khu đất thuộc quỹ đất để dành cho công trình giáo dục, phúc lợi công cộng, đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể khu vực nào, tuyến đường nào thì sẽ do các quận/huyện đề xuất và lập hồ sơ. Sở dự định đề nghị các địa phương thực hiện việc này để quý IV có thể triển khai thực hiện thí điểm một số khu vực để rút kinh nghiệm.
Xin cảm ơn ông.
Ngày 15/5 vừa qua, tại cuộc họp về tình hình lấn chiếm sông rạch trên địa bàn Tp.HCM, Sở Xây dựng TP nhận định: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm sông rạch rất khó xử lý và kéo dài là do không có các mốc giới về hành lang sông rạch cấm xây dựng, lấn chiếm. Ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu bên cạnh việc công bố chỉ giới, các cơ quan phải tổ chức cắm mốc giới hành lang sông rạch và Sở TN&MT được chỉ định chủ trì thực hiện công việc này. |