Chúng ta dành khoảng 1/3 cuộc đời để ngủ nên một chiếc nệm (đệm) êm ái, sạch sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc mang lại cho chúng ta một cuộc sống thư giãn, thoải mái. Muốn vậy, bạn không những phải giữ gìn cẩn thận trong quá trình sử dụng mà còn phải làm sạch đệm, loại bỏ mùi hôi trên đệm định kỳ.
Có thực sự cần vệ sinh nệm thường xuyên?
Nệm bị bám bẩn lâu ngày trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, gây mùi hôi khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính các thành viên trong gia đình.
Một số nguyên nhân phổ biến làm bẩn, gây mùi hôi khó chịu trên đệm bao gồm:
- Bụi bẩn từ không khí, từ cơ thể người tích tụ trên bề mặt và trong đệm theo thời gian
- Tóc và các tế bào da chết, mồ hôi, dầu bám trên nệm
- Đồ ăn, thức uống vương vãi trên đệm
- Vết nôn trớ, nước tiểu trẻ em
- Lông, bụi từ thú cưng
Vì thế, cần vệ sinh đệm định kỳ để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, vi trùng và các tác nhân gây dị ứng, đồng thời mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ cho căn phòng. Đặc biệt, thay vì thuê dịch vụ tốn kém, bạn hoàn toàn có thể tự vệ sinh nệm ngay tại nhà với những nguyên liệu, thiết bị có sẵn.
Cách vệ sinh nệm tại nhà
Bước 1. Chuẩn bị
Bạn sẽ cần tới nước, baking soda, máy hút bụi, miếng bọt biển, khăn sạch, bàn chải, oxy già, nước rửa chén, chậu đựng nước.
Trước khi vệ sinh nệm, bạn cần dọn dẹp tất cả những thứ có trên giường. Hãy bắt đầu bằng việc tháo các lớp đồ dùng trên cùng như chăn, màn, gối ngủ, gối trang trí… Tiếp đó, vải trải giường, ga bọc nệm, bọc gối và mang đi giặt.
Bước 2. Loại bỏ bụi, bẩn trên nệm
Rắc bột baking soda lên mặt đệm, chờ khoảng 30 phút cho baking soda phân hóa mùi hôi, bụi bẩn trên nệm. Nếu muốn nệm có mùi hương dễ chịu, bạn có thể nhỏ thêm một ít giọt tinh dầu vào baking soda trước khi rắc lên nệm. Sau đó, dùng máy hút bụi hút hết baking sođa ra khỏi nệm. Lúc này, mùi hôi, bụi bẩn được baking soda hấp thụ sẽ được loại bỏ hoàn toàn.
Sử dụng máy hút bụi để loại bỏ bụi bẩn, lông, tóc bám dính trên bề mặt nệm.
Với những tấm nệm có lỗ, máy hút bụi khó có thể làm sạch hoàn toàn thì bạn có thể lật mặt nệm xuống và dùng gậy đập nhẹ để bụi bẩn rơi ra.
Bước 3. Làm sạch nệm bằng hóa chất tẩy rửa
Với vết nước đổ, bạn dùng bọt biển thấm nước và chà nhẹ lên vết nước đổ đó, không nên chà quá mạnh vì sẽ khiến nước thấm sâu vào nệm.
Với các vết bẩn khác, bạn hòa tan hỗn hợp gồm 2 thìa oxy già và 1 thìa nước rửa chén, nhúng bàn chải vào hỗn hợp vừa pha và chà nhẹ lên các vết bẩn. Sau đó, dùng một chiếc khăn ẩm lau sạch lại vết bẩn vừa được vệ sinh.
Để làm sạch vết nước tiểu, vết máu, mồ hôi, chất nôn và các vết bẩn sinh học khác, bạn pha loãng dung dịch làm sạch enzyme, dùng khăn nhúng vào dung dịch vừa pha và chấm lên vết bẩn. Chờ khoảng 15 phút và tiếp tục chấm lên khu vực bị bẩn để loại bỏ hoàn toàn vết bẩn. Cuối cùng, dùng khăn sạch thấm nước lạnh lau nhẹ lên vùng đệm vừa làm sạch.
Bước 4. Làm khô đệm
Sau khi giặt nệm xong, hãy phơi nệm ở ngoài nắng hoặc nơi thoáng gió để đệm khô hẳn trước khi mang trở lại vào phòng ngủ.
Bao lâu nên vệ sinh nệm một lần?
Ga trải nệm có nhiệm vụ bảo vệ nệm khỏi bụi bẩn, giúp kéo dài thời gian giữa mỗi lần vệ sinh. Vì thế, đừng tiếc tiền đầu tư loại ga trải giường thật tốt để bảo vệ bề mặt đệm. Chọn ga trải làm từ chất liệu có thể giặt máy, dễ tháo ra và dễ thay thế. Một số loại ga trải giường cao cấp thậm chí còn được thiết kế để có thể tự loại bỏ mạt bụi gây dị ứng và chống bám bụi.
Nên giặt đồ giường bao gồm chăn, vỏ gối, tấm làm mềm đệm định kỳ mỗi tuần. Bộ đồ giường sạch sẽ cũng giúp bảo vệ vỏ bọc nệm, từ đó bảo vệ nệm khỏi bám bẩn. Thay mới và giặt ga trải nệm tối thiểu một lần mỗi tháng hoặc ngay khi phát hiện có vết bẩn bám dính vào.
Lý tưởng nhất, bạn nên hút bụi cho đệm ít nhất một lẫn mỗi tháng bởi bụi bẩn, da chết và mạt bụi có thể tích tụ trong đệm theo thời gian. Những gia đình có người bị dị ứng thì càng cần hút bụi nệm thường xuyên hơn.
Khánh An
>> Hướng dẫn cách vệ sinh ghế sofa vải vừa sạch vừa nhanh mà không cần gọi thợ