Hội chợ VIFA-EXPO 2015 thu hút 177 doanh nghiệp với hơn 900 gian hàng tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 82%, còn lại là các doanh nghiệp nước ngoài đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ như Úc, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ… Cơ cấu gian hàng trưng bày tại hội chợ gồm sản phẩm gỗ chiếm 73,7%, sản phẩm mỹ nghệ chiếm 2,6 %, đồ dùng nội thất chiếm 15,4% và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chiếm 8,3%.
Sản phẩm của An Cường đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và thẩm mỹ. Ảnh: An Cường
Theo Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM, trong thời gian qua Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN và thứ nhì châu Á. Bên cạnh đó phần lớn các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng, đáng chú ý là thị trường Mỹ năm 2014 đạt 2,23 tỷ đô la Mỹ, Nhật Bản đạt 952 triệu đô la Mỹ, EU đạt 740 triệu đô la Mỹ. Hiện nay Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai trong số các nước xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), cho biết trong năm 2014, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đạt 6,23 tỷ đô la Mỹ, tăng 11,5% so với năm 2013. Theo thống kê mới nhất, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2015 đạt 1,049 tỷ đô la Mỹ. Trong 7 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu ngành gỗ tăng trưởng trung bình khoảng 15% mỗi năm, nên nhiều khả năng năm 2015 con số này sẽ đạt khoảng 7,2 tỷ đô la Mỹ. Ông Hạnh đánh giá nhu cầu xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội và phát triển thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ ngày càng mạnh mẽ, đánh dấu thời điểm vượt qua khó khăn. Các doanh nghiệp gỗ đang ngày hướng tới mục tiêu giữ vững thị trường nội địa, mở rộng xuất khẩu.
Sản phẩm của An Cường đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và thẩm mỹ. Ảnh: An Cường
Với tư cách là một trong những nhà cung cấp nguyên vật liệu trang trí nội thất hàng đầu Việt Nam, với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc với thị trường xuất khẩu lớn tại Châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, ASIAN... Công ty Cổ phần Gỗ An Cường tham gia hội trợ với 100% các sản phẩm nội thất được làm từ gỗ công nghiệp.
Ông Lê Đức Nghĩa, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Gỗ An Cường nhận xét rằng từ năm 2014 thị trường xuất khẩu đang có những tín hiệu đáng mừng. Tất cả các doanh nghiệp đều đạt mức tăng trưởng từ 30-50%. Và dấu hiệu này tiếp tục sẽ diễn biến khả quan vào năm 2015. Riêng An Cường, năm 2014 doanh thu của công ty đạt 10 triệu USD, tăng 39% so với năm 2013. “Thị trường đang tốt lên nên năm 2015 chúng tôi dự kiến tổng doanh thu sẽ tăng khoảng trên 45% so với năm 2014. Hiện nay các đơn hàng xuất khẩu của An Cường đã đầy đến hết tháng 9 năm 2015”.
Theo ông Nghĩa, một trong những thế mạnh của ngành xuất khẩu mỹ nghệ Việt Nam là các sản phẩm của doanh nghiệp nội ngày một đa dạng và đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Ông cho biết để cạnh tranh với các sản phẩm đến từ các nước trong khu vực nhất là với thị trường Trung Quốc, An Cường đã đa dạng sản phẩm của mình lên đến trên 800 màu các loại, từ vân gỗ như oak, ask, walnut... cho đến các màu digital, giả da, hip-hop… giúp đa dạng hóa sự lựa chọn cho các thị trường xuất khẩu. Tất cả các sản phẩm nội thất xuất khẩu của An Cường đều sử dụng gỗ công nghiệp bằng các loại ván công nghiệp phủ Melamine, phủ Laminate, High Gloss Acrylic và Veneer kỹ thuật. Bên cạnh việc đầu tư hàng loạt máy móc, thiết bị hiện đại, công ty còn mở rộng nhà máy sản xuất với diện tích trên 70.000m2, nhằm đưa ra giải pháp gia công biến hóa từ vật liệu thành giải pháp bán thành phẩm và sản phẩm nội thất vươn ra thị trường quốc tế.
Phương Uyên
(Theo Công ty CP An Cường)