Cụ thể, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã đưa ra thực trạng hiện nay, đối với một số khoáng sản, mức thu phí bảo vệ môi trường còn chưa tương xứng với mức độ gây ô nhiễm môi trường của hoạt động khai thác. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất tăng chung phí bảo vệ môi trường đối với loại khoáng sản thuộc các đối tượng chịu phí căn cứ vào cấp độ gây ô nhiễm môi trường. Từ đó để có nguồn bù đắp cho việc bảo vệ môi trường tại các địa phương.
Một số ý kiến đã đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng (ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị tăng mức phí bảo vệ đối với từng loại, cụ thể là cát, sỏi, đất, đá làm vật liệu xây dựng tăng lên 2-3 lần. Theo đó, tăng khung mức thu áp dụng đối với đồng, apatit, quặng sắt, chì, kẽm... tăng từ 10.000 đồng/tấn thành 30.000 đồng/tấn với khai thác than.
Theo đề xuất của Hiệp hội Môi trường Việt Nam, Bộ Tài chính nên quy định mức đóng phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản dựa trên sản lượng đăng ký khai thác theo giấy phép chứ không dựa vào sản lượng khai thác thực tế do doanh nghiệp tự đưa ra. Bởi vì, hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp khai thác hay tự kê khai thấp hơn nhiều so với thực tế thực hiện để trốn phí nộp cho ngân sách Nhà nước.
Đối với khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường là khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% nhằm hỗ trợ cho việc bảo vệ và đầu tư cho môi trường ở địa phương nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản. Nhưng khảo sát thực tế cho thấy, nhiều xã hiện nay không nhận được phân bổ nguồn thu từ việc khai thác khoáng sản. Trong khi đó, nhiều xã khác chưa từng được đầu tư các dự án hay công trình cải tạo môi trường.
Các nhà chuyên môn cho rằng, vì chưa được sử dụng và quản lý đúng mục đích, phí này chưa thể hiện là một công cụ tài chính hiệu quả để phục vụ bảo vệ môi trường.