Trao đổi với TBKTSG Online hôm 22/12, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biêt: “Mới tuần rồi, khi hiệp hội làm việc với đại diện WB thì họ cam kết cho vay 200 triệu đô la Mỹ và họ cho biết khoản tài trợ này có thể lên đến 400 triệu đô la Mỹ tùy theo mức độ phát triển của ngành xi măng Việt Nam”.
Ông Cung cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp xi măng tại Việt Nam đang đầu tư công nghệ sử dụng phế thải, chủ yếu là tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, để làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Hệ thống thu hồi nhiệt phát điện của nhà máy xi măng Holcim - Ảnh: Tư liệu. |
Ngoài ra, để giảm chi phí sản xuất bằng cách tiết kiệm điện năng, các nhà máy xi măng cũng đẩy mạnh đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt thừa từ lò nung để phát điện. Biện pháp này có thể giúp tiết kiệm khoảng 30% điện năng cho các nhà máy xi măng.
Hiện cả nước đã có 4 nhà máy đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt để phát điện là nhà máy xi măng Holcim và Hà Tiên ở khu vực phía Nam , nhà máy xi măng Chinfon và Công Thanh ở phía Bắc..
Từ năm 2012, nhà máy xi măng Holcim tại Hòn Chông, Kiên Giang đã vận hành nhà máy phát điện tận dụng nguồn nhiệt từ hệ thống lò nung xi măng. Nhà máy có công suất 6,3 MW với vốn đầu tư khoảng 18 triệu đô la Mỹ, cung cấp sản lượng điện khoảng 44 triệu kWh/năm, đủ cho nhà máy xi măng Hòn Chông vận hành 88 ngày, hoặc đủ cho 18.300 hộ gia đình sử dụng trong một năm.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Tp.HCM, hiện tại tiềm năng tận dụng nguồn nhiệt từ các nhà máy xi măng để phát điện là rất lớn, lên đến 20% sản lượng điện tiêu thụ của ngành xi măng.
Nếu tận dụng tối đa nguồn nhiệt lò nung tại 80 nhà máy xi măng lớn nhỏ trong cả nước thì sẽ tạo ra công suất điện lên đến khoảng 200 MW, tương đương một nhà máy điện cỡ lớn. Đây là công suất đáng kể đối với một ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như xi măng. Tuy nhiên số nhà máy tận dụng được nguồn nhiệt từ lò nung để phát điện hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.