Ông Đạm cho biết, có những khu vực gần trung tâm, giá bán nhà ở xã hội lên đến 13-14 triệu đồng/m2, người dân đổ xô tới bốc thăm mua nhà, trong khi nhiều dự án tại huyện Quốc Oai ít khách hàng hỏi mua. Hiện nay, chính sách nhà ở xã hội không khuyến khích doanh nghiệp làm nhà ở xã hội bởi cách tính lãi khiến chủ đầu tư không mặn mà.
Song, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Làn Nguyễn Văn Đực cho rằng, nhà ở xã hội nên ở xa trung tâm bởi ở gần trung tâm rất lãng phí. Không thể bắt dự án nhà ở thương mại dành 20% xây nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp không thể đưa vào nhà ở xã hội vào khu Phú Mỹ Hưng được vì chi phí quản lý hạ tầng người thu nhập thấp không trả nổi. Không thể để người thu nhập thấp sống cùng người thu nhập cao.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, không nên để người thu nhập thấp sống cùng người giàu. Nguồn: Trí thức trẻ |
Cũng theo ông Đực, gói 30.000 tỷ đồng không chảy vào nhà nghèo mà vào nhà trung bình và khá. Nhà nước nên đưa ra gói 10.000 tỷ đồng dành cho người nghèo mua căn hộ từ 200-300 triệu đồng. Trong khi đó, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng lại cho rằng, vì cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, đôn đốc xử lý nên quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội này thường đạt rất thấp hoặc không có bởi diện tích này trong dự án lại thuộc vị trí chưa giải tỏa đền bù…
Ông Hùng nhận định, có 2 nguồn đất lớn cần nghiên cứu để dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Một là đất thuộc khu chung cư cũ phá dỡ xây dựng lại cần phải được đối xử như nhà ở xã hội theo quy hoạch trở thành khu đô thị nén (dưới là nhà phố thương mại, trên là những căn hộ 25-45m2 dành cho người thu nhập thấp…). Hai là nên chuyển một phần đất công sở, nhà máy sang đất xây dựng nhà ở xã hội trong quy hoạch. Cả 2 loại trên chỉ phân phối cho người thu nhập thấp đang sinh sống trong phường, khu vực lân cận có công trình để không làm tăng mật độ dân số trong khu vực có nhà ở xã hội.