Sau khi Tuổi Trẻ Online có đăng bài viết "Rờn rợn những ngôi “biệt thự ma" vào ngày 16/4, câu chuyện đánh thuế cao với nhà sang, biệt thự bỏ hoang từng được nhắc nhiều thời gian trước lại được chuyên gia bất động sản, luật sư lật lại.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đồng tình với quan điểm nên đánh thuế nhà để hạn chế "biệt thự ma". Trước đó ông đã có nhiều bài viết liên quan đến thuế nhà đất. "Biệt thự bỏ không đa phần do bán qua nhiều chủ, sau đó rao bán giá quá cao, không ai mua mới xảy ra tình trạng "biệt thự ma" khắp nơi".
Một lý do nữa là vị trí không phù hợp, hạ tầng, hệ thống đường xá không thuận tiện, tiện ích chưa đồng bộ. Đánh thuế những nơi bỏ hoang cao hơn so với bình thường thì sẽ hạn chế được ngay", ông Võ nói.
Một số căn biệt thự liền kề bỏ hoang trong khu đô thị mới Cầu
Bươu (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Q.TH.
Cũng theo thông tin từ giáo sư Đặng Hùng Võ, mặc dù dự thảo về đổi mới sắc thuế, bất động sản đã được Bộ Tài chính đưa ra nhưng hiện chưa được đồng thuận, vì nói chung đánh giá thuế bất động sản còn cao.
"Nhiều nước trên thế giới đã đánh thuế nhà ở từ lâu rồi. Để "biệt thư ma" tồn tại là một sự lãng phí", ông Võ bày tỏ.
Tương tự, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cũng cho rằng sở dĩ "biệt thự ma" xuất hiện ngày càng nhiều là do vấn nạn đầu cơ, và người dân không thể mua nổi do giá quá cao dẫn đến bị ế.
Biệt thự liền kề bỏ hoang ở khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện
Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Q.TH.
Ông Tú cho biết, hiện có rất nhiều những ngôi nhà bạc tỉ còn mới nhưng không ai ở tại Hà Nội, TP.HCM. Do đó, đánh thuế bất động sản là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, điều tiết thị trường bất động sản, người dân, đặc biệt người nghèo có khả năng tiếp cận nhà ở.
Tuy vậy phải làm sao đánh thuế cho phù hợp, chẳng hạn chỉ đánh thuế cao với bất động sản bỏ hoang, đánh thuế người có nhiều bất động sản. Đánh thuế là một phương án ngăn chặn đầu cơ, chặn hoạt động đẩy giá bất động sản lên cao gây khó khăn cho quản lý nhà nước và người dân có nhu cầu thực không thể mua nhà.
Một khi còn hiện tượng đầu cơ thổi giá thì người thu nhập bình dân vẫn gần như không thể tiếp cận nhà ở. Các biệt thự sang bỏ hoang tiếp tục xuất hiện, vừa gây lãng phí, xấu xí quy hoạch đô thị, vừa phát sinh nhiều hệ luỵ, tệ nạn xã hội…
Sốt đất ngoại thành Hà Nội: tỉnh táo khi giao dịch! Trước thông tin một số huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm sẽ lên quận vào năm 2020, thời gian gần đây giá nhà đất khu vực này tăng vọt. Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng: "Người dân cần tỉnh táo, xem thông tin kế hoạch đô thị hoá qua trang web của thành phố, tránh tình trạng bị những người đầu cơ, "cò" bất động sản tự thổi thông tin tự nâng giá đất. Khi mua nhà phải biết được tiến độ giải quyết hạ tầng, tiến độ đô thị hoá tại các huyện chuyển lên quận. Tránh mua phải "biệt thự ma". Thủ tướng yêu cầu kiểm tra khu đô thị 2.000 ha bỏ hoang Sau khi báo chí phản ánh một dự án đô thị tại huyện Mê Linh, TP. Hà Nội có gần 2.000 ha đất bị bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng, n gày 16/ 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra vụ việc này. Theo đó, ngày 4/3, VTV có đưa thông tin về việc gần 2.000 ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang gây lãng phí. Lý do mà các chủ đầu tư đưa ra là vì phải điều chỉnh lại quy hoạch khi chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội, nên việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, dự án không triển khai. Tuy nhiên thực tế là do thị trường bất động sản tại đây đóng băng. Trong khi đó, hầu hết các dự án tại đây đều đã huy động vốn từ khi chưa giải phóng mặt bằng. Thậm chí có dự án đã bán, thu tiền của khách hàng 100% giá trị lô đất. Câu chuyện này sẽ còn tiếp diễn nếu TP. Hà Nội không có chế tài nghiêm khắc với chủ đầu tư. |