Theo đó, tổng lượng thép tiêu thụ trong nước của các doanh nghiệp thuộc hiệp hội trong quý I đạt 2,5 triệu tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 25%. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng chiếm hơn một nửa, đạt 1,29 triệu tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 3, lượng thép xây dựng bán ra của các doanh nghiệp này đã đạt 651.633 tấn, phá vỡ lượng tiêu thụ kỷ lục đạt được hồi tháng 3 năm ngoái, tăng hơn 160% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2014 đã tăng 14%.
Đại diện VSA cho biết, việc Chính phủ ban hành loạt chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đã giúp hâm nóng thị trường vật liệu xây dựng. Thị trường BĐS sôi động trở lại đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của ngành thép, đặc biệt là thép xây dựng.
Lượng tiêu thụ thép xây dựng trong nước tăng trở lại |
Báo cáo cũng cho biết, sản lượng bán hàng trong nước của tôn mạ, ống thép cũng lần lượt tăng 81% và 20% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu sử dụng thép tăng nhưng các nhà máy không có động thái giảm giá bán. Tuy nhiên, với tình hình giá nguyên liệu tăng, giá điện tăng và tỷ giá được điều chỉnh, VSA nhận định, đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp cắt giảm chiết khẩu.
Trong quý I vừa qua, tổng sản lượng sản xuất của các thành viên trong hiệp hội đạt hơn 2,7 triệu tấn, so với cùng kỳ đã tăng 17%. Trong đó, thép xây dựng đứng đầu với hơn 1,27 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; ống thép tăng 25%; tôn mạ tăng 18% và thép cán nguội tăng 10%.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp này lại không có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tổng lượng sản phẩm và bán thành phẩm thép xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 360.943 tấn, trị giá hơn 282 triệu USD. Xuất khẩu thép đã giảm 6% về sản lượng và giảm 4% về giá trị nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2015.