Trên thực tế một số gia đình bài trí xong mà thấy chưa hài lòng hoặc đến một thời điểm nào đó muốn thay đổi nhưng chưa biết làm thế nào? Thực chất, nếu được tính toán lên kế hoạch trước thì chúng ta hoàn toàn có thể chủ động trong việc sắp xếp nội thất tôn thêm giá trị của ngôi nhà. Tuy nhiên, để làm được điều đó phải tránh được những lỗi cơ bản nhưng vẫn thường mắc phải như sau:
- Thói quen trưng bày quá nhiều vật dụng: Vật dụng sinh hoạt và trang trí không thể thiếu trong mỗi gia đình, mỗi loại có vai trò riêng hoặc là để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hoặc là để tăng thêm vẻ đẹp thẩm mỹ của ngôi nhà. Tuy nhiên, nếu chú ý một chút sẽ thấy có rất nhiều vật dụng ít sử dụng đến trong nhà, không có nhiều chức năng thiết thực và không được chăm sóc thường xuyên dẫn đến tình trạng thừa thãi, ngăn cản sự thoáng đãng, thuần nhất của không gian nội thất. Đơn cử như việc tạo nhiều hốc tường với mục đích trang trí bằng nhiều đồ vật khác nhau sẽ gây rối mắt trong khi chỉ cần tạo một điểm nhấn có sáng tạo sẽ khiến không gian đẹp hơn rất nhiều.
- Mất đồng bộ về nội thất: Nội thất chính là bước cuối cùng để tạo nên vẻ đẹp hoàn thiện của ngôi nhà, cũng giống như thiết kế kiến trúc, nội thất đòi hỏi sự đồng bộ, có tính toán về chất liệu lẫn màu sắc nhằm tạo sự cân xứng, hài hòa cho ngôi nhà. Khi gia chủ tự ý lựa chọn nội thất ngẫu hứng, ngôi nhà sẽ trở nên hỗn loạn vì màu sắc, chất liệu không ăn nhập với nhau, thiếu thống nhất về phong cách, nhặt nhạnh ý tưởng và lắp ghép thiếu khoa học. Do vậy, cách tốt nhất là lấy màu sơn tường, màu sàn làm cơ sở để lựa chọn nội thất.
- Quá cực đoan một loại vật liệu, màu sắc nào đó: Khi gặp được những lời khuyên như nhà nhỏ nên dùng màu trắng hay mệnh Thổ nên dùng màu nâu….sẽ rơi vào tình trạng ngôi nhà cực đoan với một gam màu duy nhất, thiếu sự sáng tạo, điểm nhấn. Trong khi đó, theo nguyên lý ngũ hành thì luôn cần sự hài hòa bổ sung cho nhau, không nên thiên lệch hành nào quá mức.
- Sử dụng nội thất không đúng với chức năng: Đây là lỗi khá phổ biến trong nhà ở, đơn cử như việc thiết kế một chiếc kệ nhỏ với vai trò lưu trữ vật dụng trang trí lại biến thành nơi để đồ vặt gây mất mỹ quan cho ngôi nhà.
- Bố trí nội thất phải “bám” theo tường: Điều này làm nên nhiều góc khuất khó tiếp cận và khiến cho nhiều vật dụng không được khai thác đúng mức mặt sau, mặt bên. Nếu khéo giảm vật dụng trong nhà ở mức vừa đủ dùng sẽ thấy rằng không gian luôn thoáng rộng và cân bằng hơn, vì các góc âm có thể tiếp cận, dọn dẹp được. Nhờ đó tạo cho thị giác một cái nhìn "không có giới hạn" về các góc của căn phòng.
KTS. Nguyễn Sỹ Triệu
Công ty CP ADkientruc
(Theo Archi)