Đến năm 2020, dự báo cả nước sẽ cần khoảng 1 triệu căn hộ dành cho người thu nhập thấp nhưng hiện nay mới chỉ đáp ứng được hơn 10.000 căn/năm. Trong khi nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu hụt và chưa có giải pháp triệt để, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo tại các đô thị đang rất bức thiết. Theo nhiều chuyên gia, ngoài việc sử dụng hiệu quả quỹ đất, đã tới lúc cần nghiên cứu thay đổi phương thức đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường.
Về vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, Hà Nội là đô thị điển hình về sự lệch pha cung - cầu. Nguyên nhân dẫn đến nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu thực tế là do cơ chế, chính sách vẫn chưa khuyến khích doanh nghiệp “mặn mà” với loại hình này. Tuy được vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất… nhưng các thủ tục, quy trình phức tạp, mất nhiều thời gian, lại không được quyền tự quyết định giá bán mà phải theo mức trần khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc không muốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) Vũ Ngọc Đạm phân tích, với cách tính hiện tại, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ được hưởng 10% lợi nhuận, con số này rất thấp so với việc phát triển nhà thương mại. Công thức này không khuyến khích các nhà đầu tư nhà ở xã hội giảm giá thành.
Do đó, nhằm tăng nhanh nguồn cung nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhiều chuyên gia kiến nghị nên thay đổi phương thức đầu tư nhà ở xã hội hoàn toàn dựa theo cơ chế thị trường. Nhà nước sẽ xóa bỏ những ưu đãi cho chủ đầu tư hiện tại mà chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng. Khi đó, doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án nhà ở xã hội giống như nhà ở thương mại song phải dành tỷ lệ từ 20-50% tùy theo từng dự án để xây dựng nhà ở giá rẻ với diện tích từ 25-45 m2/căn hộ, dùng vật liệu thông thường, chất lượng bảo đảm, an toàn cho người sử dụng.
Doanh nghiệp mặn mà với nhà ở xã hội do cơ chế, chính sách hiện nay
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt nhà ở dành cho người nghèo sẽ còn kéo dài nếu như không giải quyết tốt vấn đề quỹ đất. Trên thực tế, các dự án nhà ở xã hội gần trung tâm mặc dù giá cao hơn nhưng vẫn nhiều khách hàng, còn những dự án ở ngoại thành, hạ tầng, giao thông không thuận lợi thì mặc dù có bán giá thấp cũng ít người mua.
Bên cạnh đó, đã có quy định những dự án phát triển nhà ở thương mại diện tích hơn 10 ha phải dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội song do cơ quan chức năng quản lý chưa nghiêm nên chủ đầu tư dự án thường tìm mọi cách trì hoãn thực hiện hoặc dành khu đất xấu nhất, phần đất chưa giải phóng xong mặt bằng để xây nhà ở xã hội.
Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng đề xuất, tại các đô thị đang bức xúc về nhà ở như Tp.HCM và Hà Nội cần có kế hoạch sử dụng hiệu quả quỹ đất, ưu tiên phần đất còn lại tại những khu trung tâm để xây dựng nhà cho người thu nhập thấp. Đơn cử, ưu tiên làm nhà ở xã hội khi xây dựng lại những khu chung cư cũ ở nội đô hoặc tại những khu đất sau khi di dời công sở, nhà máy. Khu di dời công sở, nhà máy cũng phải chuyển một phần sang đất xây dựng nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, chỉ phân phối cho người thu nhập thấp đang sinh sống trong phường và lân cận, trong quận có dự án nhà ở xã hội để không làm tăng mật độ dân số.
Ngoài việc tìm giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội, Nhà nước cũng cần phải nghiên cứu hỗ trợ hiệu quả hơn cho người nghèo, người thu nhập thấp mua nhà ở tại các đô thị. Trong thời gian qua, gói vay 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà đã được giải ngân nhưng đối tượng tiếp cận được gói tín dụng này chủ yếu là người thu nhập trung bình khá, trung bình.
Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM Nguyễn Văn Đực cho biết, gói 30.000 tỷ đồng tới giữa năm 2016 sẽ kết thúc, Chính phủ cần nghiên cứu gói tín dụng hỗ trợ mới chỉ tập trung giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người nghèo đô thị. Hiện tại, gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho những khách mua nhà dưới 1 tỷ đồng, đấy là người thu nhập khá rồi. 30.000 tỷ đồng của Nhà nước không vào những nhà nghèo nhà khó mà vào những nhà trung bình. Ông Đực đề nghị chuyển sang một gói tín dụng khác 10.000 tỷ đồng giúp cho những người mua nhà chỉ 200-300 triệu đồng và bắt buộc doanh nghiệp phải xây dựng căn hộ 200-300 triệu đồng. Có như vậy mới hỗ trợ được người nghèo mua nhà.